PHÓNG VIÊN: Thưa ông, ông có suy nghĩ gì khi Quốc hội quyết định tái khởi động dự án điện hạt nhân (ĐHN) tại Ninh Thuận?
* TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Tôi mừng, đây là điều tất yếu, lẽ ra chúng ta nên làm sớm hơn. Năm 2016, tôi là một trong số ít đại biểu (ĐB) Quốc hội ủng hộ chủ trương triển khai dự án ĐHN ở Ninh Thuận. Nếu làm từ khi đó và mọi việc suôn sẻ thì ở thời điểm này các nhà máy đã phát điện lên lưới rồi. Tôi nhớ theo kế hoạch, nhà máy Ninh Thuận 1 bắt đầu phát điện vào năm 2020; còn Ninh Thuận 2 đặt ra mục tiêu phát điện vào giai đoạn 2022-2023.
Khi bàn bạc, đưa ra quyết định tạm dừng dự án, nguy cơ không đảm bảo an ninh năng lượng chưa gay gắt như bây giờ; trong khi những lo ngại về an toàn hạt nhân lại đang ở mức đỉnh điểm sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản. Thêm vào đó là những khó khăn về huy động nguồn vốn và khả năng quản lý dòng tiền.
Còn bây giờ, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt ra của hệ thống điện hiện nay từ khoảng 80GW cần tăng lên đến 150GW vào năm 2030 và khoảng 490GW-570GW năm 2050.
Thêm vào đó, chúng ta lại phải đáp ứng nhu cầu cân bằng phát thải vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), đồng nghĩa với việc phải hạn chế phát triển các nguồn điện than, điện khí lớn… Vì thế, ĐHN là lời giải thỏa đáng hơn cả.
Dù là điện sạch, nhưng thách thức về kỹ thuật và an toàn trong phát triển ĐHN là rất lớn. Làm thế nào để đảm bảo rằng ý kiến của người dân và các chuyên gia được lắng nghe và xem xét một cách đầy đủ trong quá trình quyết định về dự án, đặc biệt tại các khu vực dự kiến xây dựng nhà máy?
* Nếu làm đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thì ĐHN không gây tác động tiêu cực gì cho môi trường cũng như đời sống của người dân trong khu vực xung quanh. Cứ suy nghĩ theo kiểu “xảy ra sự cố thì đáng sợ lắm” thì chẳng bao giờ dám làm gì cả. Thay vào đó, Đảng, chính quyền các cấp, các đoàn thể… phải cung cấp đầy đủ thông tin để thuyết phục người dân. Và tất nhiên, điều quan trọng nhất, dự án phải được thực hiện công tâm, trách nhiệm; đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân trong vùng dự án.
Vậy theo ông, thách thức lớn nhất trong phát triển ĐHN tại Việt Nam là gì? Liệu huy động vốn có phải là một thách thức đáng nói?
* Thách thức nhất là nguồn nhân lực. Để có đội ngũ kỹ sư chủ động điều hành được nhà máy ở một số khâu thường phải mất 12-15 năm. Và đào tạo phải theo kiểu “may đo” vì sử dụng công nghệ nào thì phải học hỏi, làm chủ được công nghệ đó; học viên phải có quá trình thực tập, vận hành thành thục. Có một thuận lợi là nhờ đã từng có quá trình chuẩn bị dự án trước đây nên chúng ta đã ít nhiều “biết việc”, không quá bỡ ngỡ.
Còn về vốn, có thể vay, nói chính xác, thách thức nằm ở chỗ sử dụng vốn sao cho hiệu quả để dự án sớm hoàn vốn, có tiền trả nợ. Do đó, phải giải quyết căn cơ câu chuyện về giá điện.
Hiện tại, khung pháp lý về ĐHN ở Việt Nam đã đủ rõ ràng và chặt chẽ chưa, thưa ông?
* Chúng ta đã có Luật Năng lượng nguyên tử từ năm 2008. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó đã có nội dung về ĐHN. Tôi nghĩ như thế đã tương đối đầy đủ.
Dù vậy, đây là vấn đề mới, ngay cả các nhà làm luật cũng chưa hình dung được hết mọi tình huống, nên trong quá trình triển khai thực tế, chắc có nhiều điều cần được tiếp tục bổ sung, sửa đổi.
Làm ĐHN rồi thì chúng ta có tiếp tục nghiên cứu, phát triển tiếp các dạng năng lượng tái tạo khác hay không?
* Bên cạnh ĐHN, năng lượng tái tạo vẫn phải làm nhưng tính toán cho hợp lý. Vừa qua có những bất cập, sai phạm trong lĩnh vực này là do Bộ Công thương không phối hợp tốt với địa phương trong vai trò quản lý, dẫn đến phát triển ồ ạt, làm lãng phí đầu tư xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Cần lưu ý, những loại hình năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… phù hợp với mô hình cấp điện phi tập trung (chẳng hạn cho sinh hoạt hộ gia đình, cụm dân cư), đòi hỏi phải phát triển công nghệ lưu trữ điện cũng như các thiết bị sử dụng điện có thể chuyển đổi (sử dụng được cả điện lưới và điện cấp từ bộ lưu điện).
Để đạt được mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao, theo lý thuyết, mức tăng trưởng năng lượng phải đạt ổn định khoảng 15%/năm. Chỉ có ĐHN mới đáp ứng được yêu cầu đó. Hơn nữa, ĐHN cũng là nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường. Liên minh châu Âu vốn đi đầu trong cân bằng phát thải, giờ đây đã chọn ĐHN làm nguồn năng lượng xanh chính yếu.
Bên cạnh 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy ĐHN, 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu. Tại COP 28 năm 2023, có 22 quốc gia tham dự, trong đó có các nước như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada… đã ký vào tuyên bố tăng 3 lần công suất lắp đặt ĐHN trên thế giới vào năm 2050 (so với hiện tại). Tại Nhật Bản, ngoài việc tái khởi động các tổ máy sau sự cố Fukushima, cũng đã công bố Kế hoạch năng lượng mới, trong đó ĐHN đạt tỷ trọng 20%-22% vào năm 2030… Một số nước trong khu vực Đông Nam Á đang có kế hoạch xây dựng nhà máy ĐHN.
TS Nguyễn Đức Kiên