Theo Mạng lưới Dấu chân toàn cầu (GFN) và Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF), “Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi” là thời điểm con người đã sử dụng toàn bộ những gì mà hệ sinh thái có thể tái tạo trong 1 năm. Trong 50 năm qua, ngày này xuất hiện ngày càng sớm hơn. Vào năm 2020, ngày này đã lùi lại 3 tuần do đại dịch Covid-19, trước khi trở lại như mức trước đại dịch.
GFN và WWF đều cho rằng hệ thống sản xuất thực phẩm và tác động của hệ thống đến hệ sinh thái là nguyên nhân chính khiến tài nguyên trên Trái đất giảm mạnh. Tại Liên minh châu Âu (EU), 63% đất canh tác có liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, góp phần dẫn đến tình trạng phá rừng, biến đổi khí hậu khi thải ra khí nhà kính, gây tổn hại đa dạng sinh học và làm suy yếu hệ sinh thái, đồng thời sử dụng lượng lớn nước ngọt trên hành tinh.
Chuyên gia Laetitia Mailhes của GFN nhấn mạnh, thông qua việc giảm 50% mức độ tiêu thụ thịt, “Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi” có thể lùi lại thêm 17 ngày. Trong bối cảnh có 33% thực phẩm trên thế giới đang bị lãng phí, việc hạn chế tình trạng này sẽ giúp cột mốc trên lùi lại thêm 13 ngày.