Khơi gợi lòng nhân ái
Một ngày đầu tháng 5, khi trời vừa dịu nắng, bà Phạm Thị Chót (ngụ phường Tân Định, quận 1) tranh thủ đến Cửa hàng An sinh quận 1 (trên đường Nguyễn Văn Thủ) để lựa nhu yếu phẩm cho gia đình. Gia đình bà Chót thuộc diện khó khăn. Được địa phương tặng phiếu mua hàng trị giá 300.000 đồng, bà Chót “đi chợ” lựa chai dầu ăn, bịch đường, chai nước tương, gói hạt nêm, 2 vỉ trứng và bịch gạo. Bà cẩn thận cộng lại từng món xem đã khớp với trị giá của phiếu mua hàng chưa, rồi mới đem ra quầy. “Mấy món này nhà tôi dùng được nửa tháng, cũng đỡ được một khoản mua nhu yếu phẩm. Với gia đình có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi, phần quà này có ý nghĩa lắm”, bà Chót vừa cười vừa xếp ngay ngắn các món hàng vào trong túi.
Cửa hàng An sinh quận 1 ra đời giữa tháng 5-2022, khi kinh tế của người dân vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu dịch Covid-19. Bà Phạm Thị Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 1, Trưởng Ban quản lý Cửa hàng An sinh quận 1, cho biết, với 33 mặt hàng nhu yếu phẩm, từ khi ra đời tới nay, cửa hàng đã tiếp sức cho hơn 2.762 trường hợp trên địa bàn quận với 76 đợt hỗ trợ, tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.
Không chỉ tiếp sức cho các hoàn cảnh khó khăn bằng những sản phẩm tại cửa hàng an sinh, những năm gần đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 1 đã khơi gợi tinh thần học Bác từ lòng nhân ái, bao dung, yêu thương con người - giá trị tinh thần lớn lao và sâu sắc của Người - để gây quỹ, tạo nguồn chăm lo cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. “Ngày hội Buffet chay quận 1 - Chung một tấm lòng” là một điển hình. Tổ chức đều đặn từ năm 2017, ngày hội đã nhận được sự chung tay hưởng ứng của nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người dân trong và ngoài quận. Năm 2022, ngày hội vận động được hơn 4,5 tỷ đồng; năm 2023, ngày hội vận động được gần 3,9 tỷ đồng để chăm lo người nghèo.
Thấm nhuần tinh thần sẻ chia
Ở huyện đảo Cần Giờ của TPHCM, tuy điều kiện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn nhưng tình người nơi đây đã giúp cuộc sống của nhiều gia đình đổi thay rõ nét. Lấy thế mạnh là vùng đất nuôi trồng thủy, hải sản, ông Đặng Văn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ, đã tìm tòi các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để giúp người nông dân.
Học ngành luật, ra trường công tác trong ngành công an nhưng ông Đặng Văn Út lại bén duyên với nông nghiệp. Đam mê nghiên cứu các giống thủy, hải sản, ông Út tự tay mày mò thí điểm nhiều mô hình nuôi trồng, như nuôi tôm sú, cá chim vây vàng, cá dứa, nuôi yến… Thí điểm từ gia đình, khi gặt hái thành công, ông nghĩ ngay đến việc chia sẻ để người nông dân huyện Cần Giờ cùng làm.
“Dù đã chuyển giao thành công nhiều mô hình nuôi trồng thủy, hải sản cho bà con, hỗ trợ nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo nhưng điều làm tôi trăn trở là số vốn để đầu tư nuôi những loại thủy, hải sản này cao, vẫn còn những hộ nghèo khó tiếp cận. Tôi đặt cho mình mục tiêu phải tìm ra loại cá phù hợp để những hộ này cũng có thể nuôi”, ông Út tâm sự. Từ quyết tâm này, ông tìm ra mô hình nuôi cá chốt, với chi phí thấp, ít bị bệnh, thả giống 1 lần, khi lớn cá sẽ tự sinh sản, thương phẩm bán lâu dài, tạo thu nhập bền vững…, rất phù hợp với người nông dân có ít vốn. Ông Út còn tìm đầu ra cho sản phẩm cá, giúp người nông dân an tâm nuôi. Chỉ tính trong 3 năm, từ 2021-2023, ông Út đã tham gia hỗ trợ 873 hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo bằng những hoạt động như vậy.
Nhiều người dân ở xã An Thới Đông, xã Lý Nhơn gọi vui ông Út là “người soi đường”. Bởi mấy năm gần đây, ông đã xông xáo đề xuất, tham gia vận động mạnh thường quân tài trợ hàng loạt đèn năng lượng mặt trời để thắp sáng hàng chục tuyến hẻm, tuyến đường trên địa bàn hai xã này. Ông Út nói, khi mình khá mà thấy người xung quanh còn khó khăn là không đành lòng. Trong rất nhiều điều tử tế học và làm theo Bác, ông cho rằng bản thân đã phần nào thấm tinh thần sẻ chia với người khó khăn.
* Giai đoạn 2021-2024, Thành ủy TPHCM tuyên dương 339 điển hình học và làm theo Bác, trong đó có 133 cá nhân và 206 tập thể
* Tính đến hết năm 2023, toàn thành phố có 2.908 thiết chế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Làm theo Bác hiện hữu trong từng hành động
Trong số 339 cá nhân, tập thể điển hình theo gương Bác giai đoạn 2021-2024 có một cái tên quen thuộc: TS Hà Thị Thanh Hương, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Chị là công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2024 mà Báo SGGP có bài viết hồi đầu năm nay.
Trong bản đăng ký học và làm theo Bác hàng năm, ngoài rèn luyện về đạo đức, lối sống, chị luôn đặt mục tiêu rõ ràng cho nhiệm vụ chuyên môn và không ngừng nỗ lực, kiên trì để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đăng ký. Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, chị đã tích lũy cho mình 25 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực liên quan đến sức khỏe não bộ và những ứng dụng từ nghiên cứu về bệnh Alzheimer, căng thẳng, hệ giao diện não máy tính để hỗ trợ bệnh nhân đột quỵ; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ AI hỗ trợ chẩn đoán bệnh và can thiệp cho người dân… ra đời, đã đóng góp vào nền y học của thành phố và cả nước.
Hoạt động ở mặt trận văn hóa, những ngày này, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản (NXB) Trẻ đang tất bật chuẩn bị cho chương trình giao lưu 25 năm Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập Công ty TNHH MTV NXB Trẻ, cho biết, tủ sách ra đời từ năm 1999 với tên “30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”, năm 2006 đổi tên thành “Di sản Hồ Chí Minh”. Đến nay, tủ sách đã có hơn 60 đầu sách quý phục vụ cho việc học tập và làm theo Bác. Chỉ trong giai đoạn 2021-2023, nhiều cuốn sách hay đã được xuất bản.
“25 năm với hơn 60 đầu sách, Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh đã minh chứng cho sự kiên trì, nỗ lực của các thế hệ biên tập viên NXB Trẻ trong việc lan tỏa tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với đông đảo bạn đọc, nhất là thanh thiếu nhi. Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực để những giá trị tốt đẹp về Bác sống mãi với các thế hệ người Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ. Ngoài ra, bằng cách làm riêng, sáng tạo, đưa việc học và làm theo Bác hiện hữu trong mỗi việc làm hàng ngày, NXB Trẻ đã tiên phong xây dựng và lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM và một số tỉnh, thành phố khác.
Hôm nay 15-5, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị và biểu dương tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2024.
Qua 3 năm triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, đơn vị đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII); Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện các quy định của Trung ương về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp...