Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) và Báo Thanh Niên vừa tổng kết, trao giải cuộc thi viết “Tiết kiệm điện thành thói quen” - Những chuyện hay tôi kể mùa 2 năm 2024. Có hơn 500 tác phẩm của các tác giả trên khắp mọi miền đất nước gửi về tham dự. Kết quả, ban tổ chức trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 25 giải khuyến khích và 2 giải nhân vật truyền cảm hứng. Theo ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNHCMC, cuộc thi đã đóng góp rất lớn vào kết quả thực hiện tiết kiệm điện của thành phố. Tính đến hết tháng 8-2024, sản lượng điện tiết kiệm toàn thành phố đạt 480,32 triệu kWh, chiếm 2,36% sản lượng điện thương phẩm, tỷ lệ tiết kiệm cao hơn so với cùng kỳ 0,19% và cao hơn so với chỉ tiêu tiết kiệm Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao 0,36%.
Khi tiết kiệm trở thành thói quen
Nhân vật bà Nguyễn Thị Ngát (69 tuổi) được chị Phạm Thị Hường (sinh năm 1972, ngụ TP Hà Nội) khắc họa rất chân thực. Bà là giúp việc cho gia đình hàng xóm của chị Hường. Không chỉ quý mến bà Ngát vì tính cách hiền lành, chịu thương chịu khó, thân thiện, mọi người trong xóm còn thương cảm cho hoàn cảnh của bà. Bà Ngát làm giúp việc để lo cho người chồng tật nguyền. Tất cả mọi chi phí trong gia đình, kể cả việc thuê người chăm lo cho người chồng mù lòa ở Thái Bình đều trông chờ vào đồng lương giúp việc hàng tháng bà gửi về. Có lẽ chính vì hoàn cảnh khó khăn, vất vả nên tiết kiệm đã trở thành bản tính, thói quen của bà Ngát, nhất là tiết kiệm điện.
Chị Hường kể, mỗi lần đến chơi, chị thấy tất cả đồ đạc được bà Ngát tiết kiệm tối đa. Vì vậy mỗi tháng, gia chủ chỉ phải trả số tiền điện rất ít, vài trăm ngàn đồng, chưa tới 1/3 chi phí so với lúc bà chưa vào làm. Bà Ngát rất cẩn thận khi sử dụng thiết bị điện. Khi không sử dụng đến, bà thường rút phích ra khỏi ổ cắm hoặc ngắt cầu dao để đảm bảo an toàn. Chính những điều mắt thấy tai nghe hàng ngày đã khiến chị Hường và người trong xóm học tập theo. “Gương tiết kiệm của bà Ngát không chỉ truyền cảm hứng cho tôi trong bài viết mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Tôi hình dung ra cách mà bà ấy tiết kiệm điện ở tất cả vật dụng, từ đó vận dụng ở gia đình mình để tiết kiệm tối đa như bà”, chị Hường bộc bạch.
Là giáo viên đang công tác tại Trường THCS Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), chị Hường thường giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm điện hàng ngày bằng những hành động cụ thể. Chị nói: “Qua tấm gương bà Ngát, càng giúp tôi có cơ hội tiếp tục truyền lửa cho học sinh nêu cao ý thức, thói quen tiết kiệm điện không chỉ trong lớp mà còn trong gia đình. Từ đó nhân lên những tấm gương tiết kiệm điện trong xã hội”.
5T giúp giảm tiền điện
Cô Tư Lan (tên thật Trần Thị Lan, 60 tuổi, ngụ Đồng Nai) cũng đã có nhiều cách tiết kiệm điện hiệu quả. Cô Tư Lan đang chăm sóc mẹ già, các con đi làm ăn xa. Trong quá trình chăm mẹ, cô cũng gặp nhiều khó khăn. Tác giả Nguyễn Thắm là hàng xóm và thường xuyên được cô Tư Lan nhờ đóng giúp tiền điện. Trong một lần nghe chia sẻ của cô Tư Lan, chị Thắm gợi ý cho cô một số cách tiết kiệm điện đơn giản. Sau thời gian áp dụng, cô Tư Lan tâm sự với chị là tháng đó tiền điện giảm. “Cô kể với tôi cô làm từ việc nhỏ, ví dụ phòng bà cố thì luôn để điện, phòng khác khi không sử dụng sẽ tắt hết, trời mưa sẽ tắt quạt để bớt tiền điện. Tôi nhận ra một hành động nhỏ nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần và nhiều người cùng thực hiện thì giá trị mang lại rất lớn”, chị Thắm tâm sự.
Bài viết “Tự động hóa, quản lý chiếu sáng trong nhà một cách thông minh để tiết kiệm điện” của tác giả Nguyễn Phương Quang Trường (TPHCM) đã đoạt giải nhì của cuộc thi. Quang Trường sử dụng thiết bị nhỏ kết nối với các thiết bị điện để giảm tiền điện, hạn chế chạm chập, cháy nổ khi sử dụng thiết bị điện trong nhiều giờ, bảo vệ và tăng tuổi thọ thiết bị. Cách làm này còn góp phần giảm áp lực lên điện lưới quốc gia, giúp bảo vệ môi trường. Quang Trường cho hay: “Giới trẻ rất tiên tiến và hiện đại trong thời đại công nghệ. Thông qua các trang mạng xã hội, có thể truyền tải thông tin về tiết kiệm điện để giúp mọi người hiểu và áp dụng thành công”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc, thành viên Ban giám khảo, đặc biệt ấn tượng với bài viết “5T bửu bối đã cứu hóa đơn tiền điện nhà tôi” của tác giả Hoàng Bảo Lâm. Đây cũng là bài viết đoạt giải nhất cuộc thi. Tác giả đã đưa ra 5 chữ T, đó là: Tắt (cái gì không sử dụng thì tắt đi); Thay (thay bóng đèn, vật dụng cũ); Tháo (không sạc pin các thiết bị thì tháo ra); Tiết chế (hạn chế đến mức có thể) và Tận dụng khí trời. TS Nguyễn Công Tráng, giảng viên khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thành viên Ban giám khảo, đánh giá cao bài viết đoạt giải nhất của cuộc thi năm nay. “Các xí nghiệp, tổ chức, cơ quan… có thể từ ý tưởng độc đáo, sáng tạo của bài viết này mà hình thành một quy tắc của cơ quan mình”, Tiến sĩ Nguyễn Công Tráng nói thêm. “Các bài viết trong cuộc thi cho thấy, nếu người đứng đầu tổ chức gương mẫu thì chắc chắn sẽ tác động đến tập thể. Trong một gia đình có sự đồng thuận của các thành viên thì chắc chắn việc tiết kiệm điện sẽ diễn ra một cách thông suốt”, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ.
Nhiệm vụ và giải pháp tiết kiệm điện đối với tổ chức, cá nhân quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời, chiếu sáng giao thông
(Theo Quyết định số 6012/QĐ-UBND ngày 29-12-2023 của UBND TPHCM ban hành Kế hoạch thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo)
a) Nhiệm vụ và giải pháp:
- Các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời chủ trì, phối hợp với công ty điện lực khu vực xây dựng và triển khai kế hoạch tiết kiệm điện, theo đó, phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo cho các hoạt động chiếu sáng nêu trên.
- Áp dụng các giải pháp quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chiếu sáng công cộng; thay thế các đèn trang trí, đèn chiếu sáng, đèn quảng cáo bằng đèn tiết kiệm điện; áp dụng công nghệ điều khiển tự động trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời.
- Triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp.
- Đẩy nhanh lộ trình thực hiện tự động hóa chiếu sáng theo khung thời gian và điều kiện thời tiết của các công trình chiếu sáng công cộng.
- Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED. - Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối của hệ thống điện theo yêu cầu của công ty điện lực khu vực.
b) Phân công thực hiện:
- Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, UBND TP Thủ Đức và các cơ quan, đơn vị liên quan đôn đốc, kiểm tra giám sát các đơn vị có thẩm quyền quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị xây dựng kế hoạch thực hiện công tác cải tạo và xây dựng mới hệ thống chiếu sáng đô thị trên cơ sở nguồn kinh phí được giao hoặc đề xuất kinh phí thực hiện, đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
- UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan đôn đốc, giám sát các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện. Theo đó, phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
- Tổng Công ty Điện lực TPHCM phối hợp với UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện vận động chủ nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối của hệ thống điện.