Ông Vũ Hồng Thanh phát biểu: “Có rất ít vụ như Phan Sào Nam. Hiện nay cử tri và nhân dân rất quan tâm vụ án AVG, có cá nhân nhận hối lộ hàng triệu USD mà nộp lại 500 triệu đồng, không chấp nhận được”.
Ghi nhận hiệu quả phòng chống tội phạm có những tiến bộ rõ rệt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho rằng công tác này đã tác động rất tích cực đến lòng tin của nhân dân. “Mấy năm nay chúng ta chống tội phạm quyết liệt, bằng mấy nhiệm kỳ. Ta vẫn nói “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” từ lâu rồi, nhưng bây giờ mới trở thành hiện thực. Lấy lại lòng tin như hiện nay giá phải trả cũng rất lớn, nhưng chúng ta đã quyết tâm làm. Công tác điều tra nhìn chung khá nhanh và chính xác”, ông Võ Trọng Việt nhìn nhận.
Mặc dù công nhận những kết quả đạt được trong công tác này, song Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, công tác PCTN còn nhiều hạn chế chậm được khắc phục, đặc biệt là việc chậm kê biên, chậm đóng tài khoản của các cá nhân, tổ chức sai phạm, dẫn đến tội phạm tẩu tán tài sản, đương sự bỏ trốn ra nước ngoài. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nêu rõ hướng giải quyết triệt để tình trạng này.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Uỷ ban Kinh tế đặc biệt lưu ý đến một số hình thức phạm tội mới xuất hiện trong thời gian gần đây như hàng trăm người nước ngoài vào tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia, mua bán bất động sản ở vùng nhạy cảm về quốc phòng an ninh (QPAN). Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung, các loại tội phạm kinh tế đang có xu hướng phát triển mạnh, dưới nhiều hình thức tinh vi và quy mô lớn.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Xã hội, Thanh niên thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình thì bày tỏ, lo lắng về sự gia tăng rõ rệt các loại tội phạm xâm hại trẻ em. Ông nói: “Ở đây có vấn đề văn hoá, giáo dục, nền tảng đạo đức. Nhưng tôi cho rằng một nguyên nhân quan trọng là xử lý chưa mạnh, không đủ răn đe”.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đồng tình: “Tham gia đoàn giám sát, tôi thấy nhiều vụ việc loại này được áp dụng tình tiết giảm nhẹ không đúng, như là Đảng viên, nhân thân tốt, tuổi cao sức yếu… Án treo cũng còn nhiều”.
Chủ nhiệm Phan Thanh Bình và Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng có cùng những bức xúc về môi trường. Ông Phan Thanh Bình thẳng thắn: “Số vụ vi phạm môi trường bị xử lý hình sự chỉ có 1,4%; rõ ràng đang đặt ra quá nhiều vấn đề”. Theo ông, ở vụ cháy nhà máy Rạng Đông vừa qua, công tác đánh giá tác động môi trường tiến hành quá chậm, người dân cảm thấy bất an.
Liên quan đến việc xử lý sai phạm trong kỳ thi quốc gia năm 2018, ông Phan Thanh Bình nhận định: “Chúng ta đã rất nỗ lực tìm ra sai phạm, nhưng nói là “xử lý nghiêm” thì chưa, vì vẫn chưa làm rõ được hành vi nhận hối lộ. Ở đây có 3 loại đối tượng cần xử lý: người đi hối lộ, người được hối lộ, người thụ hưởng”.