Kết nối với cả con đường đã hóa thành một quảng trường sông nước - bến bờ ở khu vực bờ Tây là công viên Mê Linh - Bạch Đằng, bờ Đông là công viên bờ sông Sài Gòn, phía Thủ Thiêm, cùng nhiều hạng mục, dịch vụ đi kèm, trong đó có nhiều điểm nhấn không gian vui xuân, hưởng tết… Xuôi về hướng Nam TPHCM, cạnh đường hoa xuân ở một đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng, quận 7, là không gian sống động được phục dựng bằng lễ hội “Trên bến dưới thuyền” tại bến Bình Đông, quận 8…
Có thể thấy, tất cả đã được chuẩn bị, tổ chức, chăm chút nhằm mang lại một không khí tết đầm ấm, sung túc, an lành cho mọi người dân, du khách. Con số tăng 15,4% lượt khách quốc tế và tăng doanh thu 4% (khoảng 6.550 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2023 của du lịch thành phố đã chứng minh cho những nỗ lực ấy.
Điều quan trọng không hẳn chỉ là ở con số hay doanh thu mà nhiều hoạt động, chương trình trước, trong mùa tết này đã biểu thị trách nhiệm cụ thể, thiết thực; hơn thế là một đạo lý trong ứng xử của một chính quyền “cho dân, vì dân”, thật sự “biết lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” để ai cũng có tết. Đó là những chuyến xe 0 đồng đưa công nhân về quê ăn tết; đó là đơn hàng mùa tết kèm lì xì từ các chương trình hỗ trợ nếu người lao động ở lại thành phố.
Đó là tận dụng “chìa khóa” Nghị quyết 98/2023/QH15 để mở nhanh cánh cửa an sinh mà cụ thể là hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn năm học 2022-2023. Theo đó, mỗi tháng thành phố sẽ hỗ trợ 140.000 đồng/học sinh (trong 9 tháng), được chi trả 1 lần với tổng là 1.260.000 đồng/học sinh. Hàng trăm ngàn phụ huynh TPHCM sẽ thụ hưởng chính sách này, cũng là cách sẻ chia một phần gánh nặng với học sinh mà lãnh đạo thành phố đặt ra.
Đó là quyết tâm củng cố mạng lưới y tế cơ sở bằng hành động, với hàng trăm bác sĩ vừa tốt nghiệp được đưa về các địa bàn với nhiều cơ chế thí điểm khác nhau nhằm bao phủ chính sách chăm sóc sức khỏe người dân. Năng lực chuyên môn, sự “trưởng thành” từ thực tiễn, trách nhiệm đặt mình vào nhu cầu của người dân chính là cốt nền vững chắc nhất của nền y tế dự phòng quốc gia, mà TPHCM là địa phương thí điểm toàn diện về an toàn sức khỏe toàn dân.
Không những nỗ lực chăm lo bằng các chính sách “có thực mới vực được… sức người” như đã nêu mà ở lĩnh vực văn hóa - tinh thần, những giá trị di sản - lịch sử - tín ngưỡng cùng lúc được tôn tạo, phục dựng nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Điển hình là lãnh đạo thành phố đã đốc thúc phục dựng đình An Khánh, những di chỉ xưa như bến đò Thủ Thiêm và chỉnh trang toàn diện bộ mặt bờ Đông của hành lang sông Sài Gòn.
Cũng trong thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới, nơi thành phố hòa bình non nửa thế kỷ, những cuộc hội ngộ lịch sử đã diễn ra trong niềm xúc cảm tràn đầy. Đó là cuộc trở về chiến khu xưa của những người lính vào sinh ra tử, của những đứa con thành phố đã dâng hiến tuổi xuân cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Đó là cuộc đoàn viên của hàng trăm kiều bào, doanh nhân yêu nước ở Hội trường Thống Nhất mừng đất nước và thành phố phát triển. Đó là đoàn tàu Metro chở theo những đại diện tiêu biểu thuộc mọi tầng lớp. Như là một cuộc sum vầy của hôm qua và hôm nay, của người đi trước và tuổi trẻ, của di sản từ cha ông và hành trình dấn thân - tiếp nối…
Sức người đã làm nên sức mạnh hội tụ, hội tụ của lòng tin, của khát vọng cùng nhau nỗ lực học tập, lao động, sáng tạo vì lợi ích chung, vì cơ đồ phát triển của thành phố, đất nước. Sức người ấy chỉ có được khi từ chính quyền đến nhân dân, doanh nghiệp cùng chung một chữ “hòa”, kết nối sức mạnh nội sinh, tận dụng thời cơ ngoại sinh để tổng hòa cả điểm mạnh lẫn bù đắp những điểm yếu, từng bước phục hồi, đắp bồi và đi lên một cách tự tin, bền vững.
Chưa bao giờ ưu thế của một thành phố “ngã ba đường” Sài Gòn - TPHCM lại được thể hiện mạnh mẽ và thực chất như bây giờ, bởi nó quy tụ được lòng người, tập hợp được sức người và quy chiếu bởi trách nhiệm tất cả vì con người.