“Xe dù” để chỉ những xe kinh doanh vận tải nhưng không vào các bến bãi hoặc không đăng ký kinh doanh, hoặc núp dưới loại hình kinh doanh này (du lịch, hợp đồng) để hoạt động loại hình kinh doanh khác (tuyến cố định)… Loại phương tiện này hoạt động hết sức cơ động, thoắt ẩn, thoắt hiện, tạo môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng, gây ra những hậu quả không tốt cho trật tự vận tải, an toàn xã hội.
Vì sao phải hoạt động “dù”?
Khởi đầu, “xe dù” là những loại phương tiện chất lượng kém, số lượng ít (thường gọi là những xe mồ côi) như “taxi mù”, không cạnh tranh nổi với những phương tiện tốt, thuộc các doanh nghiệp (DN) có thương hiệu, chất lượng dịch vụ cao cấp hơn. Nhưng về sau này, xe dù lại xuất hiện ngay cả ở các DN có thương hiệu mạnh như: Hoa Mai, Thanh Thủy, Hùng Cường… Thậm chí theo báo cáo của Tổng Công ty Samco trình UBND TPHCM, đã xếp cả các công ty thương hiệu như Thiên Phú, Phương Trang, Thành Bưởi… vào nhóm đơn vị có xe chạy dù.
Xe dù do hoạt động trong các khu dân cư và tọa lạc ngay trong khu vực trung tâm, nội thành nên tiện lợi cho người dân đi lại. Loại xe này không phải đóng thuế và đóng phí ra vào bến, nên giá cả được chủ xe dù tự ấn định và rất linh hoạt theo thị trường: lúc ít khách nhà xe lấy giá rẻ hơn xe trong bến, lúc khách đông như vào các dịp lễ, tết họ tăng giá cao hơn nhiều các xe hoạt động trong bến. Còn một lý do khác khiến các đơn vị đưa xe ra chạy dù, đặc biệt là đối với một số xe thương hiệu, là “phải biết sống chung với lũ”, vì nếu không DN mình sẽ bị thua thiệt.
Các hình thức “núp bóng”
Ở TPHCM, tình trạng xe dù núp bóng khá đa dạng về hình thức và gần như ở “mọi lúc mọi nơi”. Xe chạy tuyến cố định lại đón trả khách ở ngoài bến bãi quy định như: xe các tuyến Bến Tre góc đường Mai Xuân Thưởng - Hậu Giang; xe tuyến Trà Vinh ở đường Trần Phú, quận 5, với các thương hiệu Thanh Thủy, Kim Hoàng thuộc tỉnh Trà Vinh; xe tuyến An Giang - Long Xuyên ở đường Nguyễn Hữu Chí (sau lưng Thuận Kiều Plaza) hoặc khu vực cạnh Chợ Thiếc, quận 11; xe thuộc hai thương hiệu Hoa Mai - Thiên Phú chạy tuyến Vũng Tàu, hoạt động ở đường Nguyễn Thái Bình, quận 1...
Ngoài ra, còn có xe hợp đồng núp bóng xe du lịch - Open Tour, hoạt động trên địa bàn khu vực phố Tây - Đề Thám - Phạm Ngũ Lão; xe hợp đồng lấy khách ngoài bến bãi ở Bàu Cát (Tân Bình). Xe chạy tuyến liên vận quốc tế hoạt động ở sau khu vực Bệnh viện Đại học Y Dược, quận 5 và khu Phạm Ngũ Lão - Đề Thám, quận 1…
Xét ở góc độ quản lý nhà nước, nguyên nhân của tình trạng xe dù ngày càng nhiều mà vẫn chưa có thuốc đặc trị là do sự “buông lỏng” hoặc sự “toa rập” vì lợi ích cục bộ của một số cán bộ thuộc lực lượng chức năng, như: cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và chính quyền sở tại… Sự xuất hiện ngày càng nhiều xe dù đang gây ra môi trường kinh doanh vận tải bất bình đẳng, gây thiệt hại cho hành khách khi có sự cố xảy ra, đồng thời là nguyên nhân chủ yếu của việc gây mất trật tự vận tải, không đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP, làm thất thu ngân sách vì trốn thuế…
| |
Làm gì để chống xe dù hiệu quả?
Hiệp hội Vận tải hành khách LT & DL TPHCM đã đề nghị một gói giải pháp gồm 3 cấu phần như sau:
1- Cơ sở pháp lý đã có gồm Nghị định 91 của Chính phủ và Thông tư 18 của Bộ GTVT đã quy định khá rõ ràng về các loại hình hoạt động vận tải. Cơ quan chức năng cần vận dụng tốt hơn những quy định pháp lý này trong hành xử.
2- Cần thành lập lực lượng kiểm tra, xử lý liên ngành: cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT), chính quyền địa phương, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND TP.
3- Một số biện pháp hỗ trợ:
Một là, các bến xe cần xem xét điều chỉnh lại mức thu như: giá ra vào bến, phí hoa hồng bán vé, phí xe đỗ qua đêm… cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh gánh nặng giá, phí khi đưa xe vào bến.
Hai là, Sở GTVT có trách nhiệm thiết lập và công bố hệ thống điểm đón và trả khách kết hợp, hệ thống xe trung chuyển từ nội thành ra các bến xe nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi lại. Chúng ta không thể máy móc bắt buộc những cư dân ở ngoại thành như ở Suối Tiên, hoặc Bình Chánh phải quay vào nội thành (Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây) để đón xe đi về các tỉnh, thành khác…
Ba là, Liên Sở GTVT - Công An TP cần xem xét lại mức phạt đối với các trường hợp xe dù hiện nay đã đủ sức răn đe chưa?
Bốn là, thiết lập điện thoại nóng để liên lạc.
Năm là, sắp xếp lại hoạt động vận tải khu vực phố Tây - đường Phạm Ngũ Lão. Cần quy hoạch, tổ chức lại, nhằm phục vụ cho đối tượng khách du lịch ở đây, như: gom tất cả các xe đón, trả khách ở khu vực đường Đề Thám và Phạm Ngũ Lão vào trong khu vực Công viên 23-9 theo hai hướng: Trước mắt, dành một không gian chừng khoảng 10m bề rộng, thuộc Công viên 23-9 và chạy dọc theo đường Phạm Ngũ Lão, để các xe vào đây đón trả khách. Về lâu dài, đưa tất cả loại xe này vào bãi xe buýt thuộc Công viên 23-9 do Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng quản lý hoặc xây dựng tầng hầm dưới bến xe buýt để các xe lưu đậu hoặc lấy, trả khách du lịch.
Thạc sĩ LÊ TRUNG TÍNH
(Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách LT & DL TPHCM)