Với gần 300 trang, cuốn sách được chia làm 4 phần lớn với một số nghiên cứu về chính sách thực hành di sản văn hóa phi vật thể; Nhận diện nghệ nhân; Chính sách đối với nghệ nhân và phần cuối là Gợi ý chính sách dành cho nghệ nhân.
Theo TS Phạm Cao Quý, trong một thời gian dài đã có sự “đánh đồng” nghệ nhân và nghệ sĩ và chỉ những người làm nghề thủ công mới được nhận diện là nghệ nhân. Song theo tác giả nhận định “Nghệ nhân là người nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật về di sản văn hóa phi vật thể”. Nghệ nhân thực hành di sản phi vật thể là người được kế thừa, nắm giữ di sản của cha ông truyền lại cho thế hệ mai sau. Nghệ nhân thực hành được ví như những “báu vật nhân văn sống”, “bảo tàng sống”, “kho tàng di sản văn hóa sống” mà không thể có hình thức vật chất nào thay thế.
Trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, người nắm giữ, thực hành di sản được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất. Di sản văn hóa phi vật thể không nằm ngoài con người, nó được chính bản thân con người dưới góc độ cá nhân, nhóm, cộng đồng nắm giữ và thực hành. Họ là những người đóng góp vai trò chủ chốt trong quá trình tiếp nhận, sáng tạo và chuyển giao cho thế hệ kế tiếp; là những người “kiến tạo xã hội mang màu sắc truyền thống”. Nói như vậy có nghĩa là di sản phi vật thể luôn sống cùng đời sống con người, nó chịu những tác động đe dọa và có nguy cơ mai một, thất truyền “đóng băng ở quá khứ”.
Trên cơ sở nghiên cứu, điền dã, tham khảo kinh nghiệm quốc tế của Hàn Quốc, Nhật Bản... TS Phạm Cao Quý cũng đưa ra một số gợi ý nhằm thay đổi một số chính sách liên quan tới nghệ nhân. “Mặc dù luôn cần chính sách liên quan tới đảm bảo an sinh cho nghệ nhân. Nhưng chính sách này không thể mãi được thực hiện theo cách “bao cấp” mà cần được thực hiện theo hướng giúp nghệ nhân có thể thoát khỏi nó bằng việc tự tăng thu nhập bằng chính việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể mà mình đang nắm giữ…”- TS Phạm Cao Quý nêu rõ.
Nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể nói chung cũng như về nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là nội dung vừa mới lại vừa khó. Nghiên cứu về chính sách đối với nghệ nhân, đối với di sản văn hóa phi vật thể cũng vậy. Do đó, cuốn sách ra đời nhằm góp thêm một phần nhỏ vào sự hình thành Khoa học về di sản văn hóa phi vật thể trong tương lai.