Nhiều hình thức, thủ đoạn tung tin giả
Ngày 11-4, phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm kết thúc. TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình, 4 bị cáo mức án tù chung thân; các bị cáo còn lại nhận mức án từ 3 năm tù treo tới 20 năm tù giam.
Ngay sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh ông Hoàng Minh Hoàn (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) gắn với nội dung: “Người duy nhất được thả tự do sau vụ đại án Vạn Thịnh Phát - Có khi nào anh ý đi tất xanh không nhỉ”. Tương tự, hình ảnh của ca sĩ Thanh Bùi (chồng bị cáo Trương Huệ Vân) bị đưa lên mạng xã hội với dòng bình luận: “Thuyết âm mưu cho rằng, Thanh Bùi là “đặc vụ ngầm” trợ giúp bắt Trương Mỹ Lan”… Những nội dung này nhận được rất nhiều tương tác, bình luận của người dùng mạng xã hội và trong số đó, nhiều bình luận bày tỏ đồng tình.
Cần khẳng định đây là những thông tin sai sự thật. Bị cáo Hoàng Minh Hoàn không phải là bị cáo duy nhất được tuyên án treo trong vụ án như tin trên mạng xã hội. Nhiều bị cáo khác có vai trò đồng phạm hạn chế, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… đã được hội đồng xét xử cho hưởng án treo và trả tự do tại tòa, như Lưu Chấn Nguyên (cựu Giám đốc SCB Củ Chi), Đỗ Xuân Nam (Phó Tổng Giám đốc, Thẩm định viên Công ty DATC), Vũ Khánh Linh (cựu thành viên đoàn thanh tra SCB)...
Đối với những thông tin đặt vấn đề người này, người kia là “đặc vụ ngầm”, đây là thủ đoạn đưa những thông tin không thể kiểm chứng, đặt ra vấn đề gây tranh cãi nhằm thu hút sự chú ý của dư luận. Điểm chung của những người bị đồn đại là “đặc vụ ngầm” trong các vụ án là những người không bị xử lý hình sự hoặc được hưởng án treo. Lợi dụng nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật, các thế lực thù địch ra sức tung tin theo kiểu cứ ai được hưởng án treo hay không bị xử lý hình sự trong các vụ án thì họ là công an, là “đặc vụ ngầm”. Chúng sẵn sàng vu khống người khác nhằm mục đích hạ thấp vai trò của các cơ quan điều tra, tố tụng trong các vụ án.
Nhìn lại những vụ án trước đây, chúng ta có thể nhận ra thủ đoạn này đã từng xuất hiện. Như trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” liên quan đến người mẫu Ngọc Trinh thì xuất hiện tin giả rằng Nguyễn Thị Thúy Kiều, trợ lý của Ngọc Trinh, là “đặc vụ ngầm”. Trong khi đó, kết luận điều tra và cáo trạng vụ án này đã giải thích rõ: Trong nhận thức chủ quan của Kiều, chỉ là người làm thuê theo yêu cầu của Trinh, việc quay phim đưa lên mạng xã hội không là hành vi gây rối trật tự công cộng, do đó cơ quan điều tra không xử lý Kiều...
Nắm vững các nguyên tắc trong pháp luật
Nguyên tắc: “Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra” được quy định tại Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015.
Tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội. Điều 15 của bộ luật này quy định rằng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải làm rõ chứng cứ xác định vô tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Ở đâu có hoạt động buộc tội thì ở đó có hoạt động gỡ tội. Với những quy định rõ ràng, chặt chẽ của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành, hoạt động của các cơ quan tố tụng được tiến hành trên cơ sở phải tìm ra những căn cứ gỡ tội, những tình tiết có lợi cho các bị can, bị cáo chứ không chỉ có hoạt động buộc tội. Tòa án căn cứ trên hồ sơ chứng cứ, quá trình thẩm vấn, tranh tụng công khai tại tòa để có những đánh giá toàn diện, đầy đủ, khách quan, từ đó tuyên bản án đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
Những luận điệu, thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ các cá nhân trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, cũng như các vụ án khác trước đây cần được nhận diện và đấu tranh ngăn chặn, bác bỏ kịp thời.
Sau phiên tòa sơ thẩm, mạng xã hội xuất hiện trend (xu hướng) đi tìm kho báu 673.000 tỷ đồng, bắt nguồn từ một clip hội thoại lồng ghép vào khẩu hình của bà Trương Mỹ Lan. Đoạn clip có nội dung: Bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời hội đồng xét xử rằng: “Các ngươi muốn của cải của ta ư? Ta giấu ngoài biển khơi ấy, ngươi muốn thì ra đó mà tìm”.
Trước sự việc này, luật sư Giang Hồng Thanh (luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan) đã gửi đơn đến Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an; Cục Phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, Bộ TT-TT; TAND TPHCM, Viện KSND Tối cao, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an.
Theo luật sư, dù là clip cắt ghép nhưng được thực hiện một cách công phu, bài bản; tạo dư luận xấu, làm giảm đi sự uy nghiêm của tòa án; xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm thân chủ của luật sư.
Hành vi của người tạo dựng clip đã vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng theo điểm d, Khoản 1, Điều 8 và điểm a, b, Khoản 3, Khoản 5, Điều 16 Luật An ninh mạng. Để ngăn chặn những tác động xấu cho người dân và xã hội, luật sư Giang Hồng Thanh đề nghị các cơ quan trên xác minh, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm người thực hiện để răn đe và phòng ngừa chung.