Mặc dù Luật Đầu tư nước ngoài (bao gồm cả hoạt động đầu tư ra nước ngoài) đã có hiệu lực từ 30 năm nay, song phải đến năm 2006, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam mới thực sự “nở rộ”, đạt đến những con số trong mơ của thời kỳ trước đó.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2018, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 432,1 triệu USD. Tính lũy kế, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài hơn 22 tỷ USD. Xét về “khẩu vị”, vốn liếng của các nhà đầu tư Việt Nam hầu hết tập trung vào các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bán buôn, bán lẻ; nông - lâm nghiệp, thủy sản. Về địa bàn, Lào là nền kinh tế dẫn đầu, tiếp đó là Australia, Mỹ, Campuchia, Slovakia, Cuba…
Để tự tin “mang chuông đi đánh xứ người”, ai cũng hiểu là doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ pháp luật, không chỉ của Việt Nam, mà cả pháp luật của nước sở tại. Doanh nghiệp cũng cần có nguồn thông tin tốt, sự liên kết chặt chẽ với những người bạn “đồng hương”...
Chỉ ra nguy cơ rủi ro đến từ các nguồn khác nhau (luật pháp của quốc gia đầu tư; luật pháp quốc gia nhận đầu tư; luật pháp quốc tế về nhân quyền; chính sách của các tổ chức cung ứng tài chính; chính sách của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ), các chuyên gia trong lĩnh vực này nhấn mạnh rằng, hầu hết doanh nghiệp chỉ quan tâm đến 2 yếu tố đầu, các yếu tố còn lại ít được quan tâm hơn, nhưng lại hay “mắc” nhất. Đặc biệt, rủi ro môi trường và xã hội liên quan đến 4 vấn đề cơ bản, bao gồm: đất đai, lao động, môi trường và văn hóa dân tộc bản địa là rất lớn; cần được quan tâm xử lý trong toàn bộ “vòng đời” của dự án, từ chuẩn bị, thực hiện đến kết thúc đầu tư.
Đơn cử, theo bà Nguyễn Thị Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Đắk Lắk, trong thời gian mới đầu tư vào thị trường Lào, doanh nghiệp này gặp khó khăn khi tiếp cận và nhận thức đúng về các quy định pháp luật quốc tế, bởi có những việc luật pháp nước sở tại không quy định, nhưng lại được công nhận trong công ước quốc tế. Hầu hết những nhà tiêu thụ cao su lớn cũng yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm của mình không liên quan đến phá rừng, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó là thách thức phát sinh từ rào cản về văn hóa và tập tục của người dân bản địa, trong khi việc tìm kiếm một đơn vị tư vấn, đồng hành phù hợp không dễ dàng. Đó là chưa kể nước bạn không có cảng biển, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin cũng chưa ổn định và khó tiếp cận. Chỉ khi có sự tham gia của doanh nghiệp với cộng đồng địa phương, tìm được đối tác tin cậy ở địa phương, thì vấn đề mới được giải quyết suôn sẻ. Đặc biệt, đằng sau những thành công của các doanh nghiệp, phải kể đến sự hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ Việt Nam với doanh nghiệp trong quá trình đầu tư ra nước ngoài, nhất là với các nước có quan hệ truyền thống như Lào, Campuchia, Nga...