Nhận diện rõ cuộc đời Huyền Trân công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử

Ngày 30 -11, tại Nam Định, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định, UBND huyện Vụ Bản tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Huyền Trân công chúa: Cuộc đời và Giai thoại”.

Hội thảo quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử, khảo cổ, văn hóa, tôn giáo đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài nhấn mạnh, Nam Định là trung tâm của khu vực đồng bằng sông Hồng, nơi lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Đặc biệt, Nam Định còn là vùng đất khởi nghiệp của Vương triều Trần, một triều đại hùng mạnh trong lịch sử.

Trong số các nhân vật lịch sử của thời Trần, Huyền Trân công chúa là một nhân vật nổi bật. Là con gái của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, bà được gả cho vua Chế Mân của Champa nhằm duy trì bang giao. Tuy cuộc hôn nhân chỉ kéo dài một năm do vua Chế Mân qua đời, nhưng Huyền Trân công chúa vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử.

Sau khi về Đại Việt, bà tu hành và được thụ pháp danh Hương Tràng, lập am thờ Phật tại chân núi Hổ, sau này trở thành Chùa Hổ Sơn. Bà viên tịch năm 1340 và được nhân dân lập đền thờ, tổ chức lễ hội vào ngày mồng 9 tháng 4 Âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công đức của bà.

355fa62eae5914074d48.jpg
Quang cảnh hội thảo

Mặc dù có nhiều câu chuyện truyền thuyết xoay quanh cuộc đời Huyền Trân, nhưng ghi chép lịch sử về bà vẫn còn thiếu sót, đặc biệt là giai đoạn bà tu hành ở Đại Việt. Vì vậy, việc nghiên cứu làm rõ cuộc đời và đóng góp của Huyền Trân công chúa không chỉ giúp hiểu rõ về một nhân vật lịch sử quan trọng mà còn góp phần tôn vinh những đóng góp của bà đối với đất nước và Phật giáo Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận ba chủ đề chính: Cuộc đời và giai thoại của Huyền Trân công chúa; vai trò của bà đối với dân tộc qua cuộc hôn nhân với vua Chế Mân; và vai trò của bà trong Phật giáo.

chua.png
Di tích chùa Hổ Sơn, nơi thờ phụng Huyền Trân công chúa, còn lưu giữ nhiều tượng thờ và sắc phong cổ

Thông qua việc tìm kiếm và phân tích các nguồn tư liệu lịch sử, khảo cổ, thần tích, thần sắc, truyền thuyết, cũng như các cơ sở thờ tự liên quan đến công chúa Huyền Trân, hội thảo nhằm cung cấp cái nhìn khoa học, đầy đủ và khách quan về nhân vật lịch sử này. Đồng thời, từ kết quả nghiên cứu, hội thảo đề xuất các phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến công chúa Huyền Trân, đặc biệt là di tích Chùa Hổ Sơn.

Chùa Hổ Sơn hiện lưu giữ nhiều hiện vật quý như tượng thờ và sắc phong và đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Khu di tích cũng vừa được tôn tạo và mở rộng với nhiều công trình đặc sắc, như bảo tháp 13 tầng, tượng Phật Bà Quan Âm, bảo tàng Huyền Trân công chúa và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Tin cùng chuyên mục