Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, hiện nay đang có rất nhiều ngộ nhận về việc phân định thế nào là TPAT. Do TPAT đang bị bủa vây bởi các thực phẩm bẩn, kém chất lượng, thậm chí do giá thành rẻ và dễ tìm mua nên thực phẩm bẩn hầu như lấn át TPAT.
Vì vậy, việc bảo vệ sức khỏe bằng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm rất cần thiết. Còn theo bà Đỗ Thị Lan Nhi, Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng của VinEco, muốn truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì trước hết nhà sản xuất phải minh bạch về thông tin sản phẩm qua tem nhãn.
Nhà sản xuất phải công bố thông tin chi tiết trên nhãn, kể cả thành phần gây dị ứng của sản phẩm (nếu có) song song với tên đơn vị sản xuất, thành phần, hạn sử dụng.
“Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua tem nhãn đã được áp dụng, khi kiểm tra thì chúng ta sẽ biết sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn VietGAP, organic (hữu cơ) hay hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhưng nhìn chung ít khi người dân chủ động quét mã để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, có thể do hạn chế thời gian”, bà Lan Nhi chia sẻ.
Bên cạnh việc nhận dạng thực phẩm qua truy xuất nguồn gốc thì theo các chuyên gia, việc hiểu đúng về TPAT rất cần thiết.
Th.S Vũ Thế Thành, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng thực chất không có hóa chất độc hại mà chỉ có liều lượng độc. Bất kỳ hóa chất nào nếu sử dụng quá mức cho phép thì cũng trở nên độc hại. Liều lượng độc sẽ gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép sử dụng thì phải có liều lượng và thời hạn sử dụng an toàn ở mức cho phép.