Không nên tự sửa chữa khi không có kiến thức, kỹ năng
- PHÓNG VIÊN: Ông thấy người dân thường gặp phải những nguy cơ/sự cố mất an toàn nào do lưới điện gây ra trong mùa mưa?
- Ông NGUYỄN HUỲNH ĐĂNG KHOA: Có 2 sự cố về điện thường gặp nhất trong mùa mưa bão là sự cố điện do cây cối, công trình kiến trúc bị gió bão quật đổ vào đường dây, cột điện… và sự cố do rò rỉ điện trong nhà, do các thiết bị điện không đảm bảo an toàn.
Trong mùa mưa bão, điều kiện thời tiết ẩm ướt, nguy cơ chạm chập cục bộ thiết bị điện gia dụng, nhất là các dụng cụ điện cầm tay (máy sấy tóc, bàn ủi, máy khoan…), ổ cắm điện, dây dẫn điện trong nhà có khả năng gây điện giật và có thể gây cháy nổ.
Việc nhận diện đúng các mối nguy hiểm về điện trong mùa mưa bão sẽ giúp thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa và đảm bảo an toàn điện. Trong trường hợp phát hiện sự cố điện trong nhà hoặc ngoài đường thì không nên tự sửa chữa khi không có kiến thức, kỹ năng nhận diện nguy cơ rủi ro về an toàn điện và dụng cụ đồ nghề phù hợp, vì có thể gây ra tai nạn về điện.
- Làm thế nào đảm bảo an toàn điện trong gia đình, cơ quan đơn vị trong thời điểm mưa bão liên tục hiện nay?
- EVNHCMC khuyến cáo khách hàng sử dụng điện và người dân khi mưa, bão, ngập lụt hết sức quan tâm để thực hiện: Không đứng trú mưa ở tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao…; không lên sân thượng, mái nhà (nơi có đường dây điện băng qua); không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời.
Nên ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn; bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp. Nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời khi trời mưa to, gió lớn. Tuyệt đối không được sử dụng công trình điện (trụ điện, tủ điện, trạm điện…) làm nơi định vị các phương tiện, vật dụng, công trình dân sinh (như mái che mưa, căng dây lều bạt, làm hàng quán…) hoặc neo đậu ghe thuyền.
Nên tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết và lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã đổ, dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ... và báo ngay cho Trung tâm Chăm sóc khách hàng 1900.545454 của EVNHCMC để thông báo xử lý kịp thời. Điện báo ngay số 114 - Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ TPHCM khi có tai nạn điện xảy ra.
- Thời gian qua, EVNHCMC đã thực hiện việc cảnh báo, phòng ngừa mất an toàn về điện như thế nào, thưa ông?
- Để hạn chế thấp nhất xảy ra sự việc đáng tiếc về an toàn điện, EVNHCMC và các đơn vị trực thuộc đã liên tục thực hiện những công tác cảnh báo. Đơn vị cũng tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra sau mưa bão, sau sự cố để phát hiện và xử lý kịp thời các bất thường trên lưới điện. Kiểm tra, bảo trì, sửa chữa, cải tạo các mối nối, dây chằng, các điểm nối dây, tiếp địa đường dây… đề phòng sự cố đứt dây, rò điện, nhằm ngăn ngừa nguy cơ có thể gây tai nạn. Chủ động phối hợp Công ty Công viên Cây xanh chặt tỉa cây xanh đề phòng nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa, không đảm bảo khoảng cách an toàn gây phóng điện…
Bên cạnh công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ trên lưới điện, tổng công ty chỉ đạo sát sao các đơn vị triển khai nhiều giải pháp cho công tác an toàn điện, PCCC tại các khu chung cư, ngõ hẻm, khu dân cư… Ngành điện tham gia cùng với địa phương, các cơ quan chức năng liên quan thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, PCCC cho nhiều đối tượng trong nhân dân, người sử dụng điện.
Trong năm 2019, đơn vị đã phối hợp chính quyền địa phương và Cảnh sát PCCC các quận huyện thực hiện tư vấn sử dụng điện ở hộ gia đình. Phối hợp UBND phường xã tuyên truyền các nội dung sử dụng điện an toàn, các biện pháp phòng chống cháy nổ trong sử dụng điện, phát đến các hộ sử dụng điện “Cẩm nang sử dụng điện an toàn”, “Sổ tay PCCC điện gia đình”, “Sổ tay PCCC điện cơ sở, sản xuất kinh doanh và công sở”. Đồng thời bổ sung các nội dung cam kết đảm bảo an toàn điện, phòng chống cháy nổ do sử dụng điện vào hợp đồng mua bán điện.
- Những nguy hiểm cụ thể nào có thể xảy ra nếu như người dân kinh doanh, buôn bán ngay sát trạm điện, trụ điện hạ thế và các tủ điện. Việc buôn bán, sinh hoạt như vậy có phải là hành vi xâm phạm an toàn lưới điện?
- Khi một số người dân thường xuyên tiếp cận, nhất là chiếm dụng mặt bằng các tủ điện để dùng vào mục đích khác thì có khả năng xảy ra tai nạn vì xuất hiện các tác động xấu (do va chạm cơ học, gây ẩm thường xuyên, hoặc bịt các lỗ thoát khí của tủ...) có thể làm hư hỏng vỏ tủ, hư hỏng dây tiếp địa an toàn của tủ.
Cá biệt và đã từng xảy ra trong quá khứ, người dân dùng vật kim loại xuyên thủng vỏ tủ hoặc chọt vào khe hở cửa tủ để treo móc đồ, từ đó dẫn đến chạm chập với phần thiết bị mang điện bên trong tủ… Khi đó sẽ có thể làm hư hỏng thiết bị bên trong và kèm theo đó là khả năng gây tai nạn do vi phạm an toàn sử dụng thiết bị điện.
Căn cứ theo các khoản của Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26-2-2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện thì việc buôn bán, sinh hoạt xung quanh hoặc gần các trụ điện, tủ điện nhưng không chiếm dụng trụ điện, tủ điện phục vụ cho mục đích buôn bán, sinh hoạt thì không phải là các hành vi bị nghiêm cấm.
Còn đối với các trường hợp chiếm dụng vi phạm thì cấp có thẩm quyền (là sở công thương) sẽ tiến hành xử phạt các hành vi bị cấm đối các với đối tượng vi phạm căn cứ theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Báo ngay đường dây nóng khi có sự cố xảy ra
- Việc cứu người bị điện giật và biện pháp an toàn cho người cứu phải như thế nào?
- Khi phát hiện trụ điện ngã, dây điện đứt, người phát hiện không được đến gần và phải báo cho mọi người xung quanh biết. Tìm cách lập rào chắn và gọi số điện thoại báo ngay cho Trung tâm Chăm sóc khách hàng 1900.545454 của EVNHCMC để thông báo xử lý kịp thời.
Khi phát hiện người bị điện giật phải nhanh chóng tìm cách tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện bằng cách ngắt thiết bị đóng cắt điện (cầu dao, CB) hoặc rút phích cắm, cầu chì… Lưu ý, nếu trời tối thì phải chuẩn bị nguồn ánh sáng thay thế khi cắt nguồn điện. Nếu người bị nạn ở trên cao thì phải chuẩn bị để hứng đỡ khi người đó rơi xuống. Nếu không cắt được nguồn điện có thể sử dụng kềm cách điện, búa, rìu, dao... cán bằng gỗ để cắt, chặt đứt dây điện. Dùng vật cách điện (cây khô, sào nhựa…) tách dây điện ra khỏi người bị nạn (chú ý người cấp cứu phải đứng trên vật cách điện). Túm vào quần, áo khô của người bị nạn để kéo người bị nạn ra khỏi nguồn điện (người cấp cứu phải đứng ở nơi khô ráo, trên vật cách điện, tay có găng tay cách điện hoặc quấn thêm vải khô, túi ni lông và không được túm vào các bộ phận cơ thể người bị nạn).
Trường hợp phát hiện mất an toàn về điện phải khẩn cấp thông báo các số điện thoại 1900.545454 để yêu cầu điện lực cắt điện hoặc 114 để cứu nạn, cứu hộ.
Sau khi đã tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện phải tùy vào các hiện tượng cụ thể để xử lý thích hợp. Nếu người bị nạn chưa mất tri giác, để nạn nhân ra chỗ thoáng khí, yên tĩnh, chăm sóc cho hồi tỉnh. Mời y bác sĩ hoặc đưa nạn nhân đến cơ quan y tế gần nhất để theo dõi, chăm sóc.
Nếu người bị nạn đã mất tri giác thì đặt nạn nhân nơi thoáng khí, yên tĩnh. Nới rộng quần áo, thắt lưng, moi chất nhờn trong miệng người bị nạn ra, hô hấp nhân tạo với chuyên môn kỹ năng phù hợp. Cho người bị nạn ngửi amôniắc hoặc nước tiểu. Ma sát toàn thân người bị nạn cho nóng lên. Mời y bác sĩ đến hoặc đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi chăm sóc.