Tọa đàm có sự tham gia của ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành; ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM cùng đông đảo đại diện các đơn vị xuất bản và phát hành trên địa bàn TPHCM.
Thông qua tọa đàm, các đơn vị cùng nhau nhận diện và phát huy một cách tốt nhất yếu tố thuận lợi và chung tay tháo gỡ những khó khăn thách thức trong quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, phát hành sách.
Hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản (NXB) trực thuộc các cơ quan chủ quản, trong đó tại TPHCM có 2 NXB trực thuộc Thành ủy và UBND TPHCM, 28 chi nhánh NXB, 4 văn phòng đại diện NXB nước ngoài tại TPHCM và 4 NXB đại học.
Trong số 57 NXB, tính đến nay đã có hơn 20 NXB, đơn vị phát hành sách được cấp phép xuất bản và phát hành sách điện tử, trong đó có nhiều NXB, đơn vị phát hành tại TPHCM.
Trong phát biểu đề dẫn, ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM, cho rằng, sự phát triển nhanh về số lượng được cấp phép phát hành sách điện tử cho thấy chuyển đổi số đang là mũi nhọn được quan tâm. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác xuất bản đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng. Số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất xuất bản phẩm điện tử với sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ đã cho thấy tính hiệu quả không nhỏ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng, cơ hội luôn đi cùng thách thức. “Những thách thức này cũng đang là mối quan ngại không nhỏ đối với ngành xuất bản và xã hội nói chung. Đó là tình trạng vi phạm bản quyền, sách giả, phát hành sách lậu trên nền tảng mạng”, ông Lê Hoàng cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Trẻ, cũng cho rằng, bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng hiện đang là một thách thức lớn trong hoạt động xuất bản.
“Chưa bao giờ, vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số gióng lên hồi chuông báo động không chỉ cho các lực lượng chức năng mà còn là các cá nhân, tập thể liên quan”, ông Nguyễn Thành Nam nói.
Theo ông Nam, các hành vi xâm phạm được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Sao chép, định dạng lại các nội dung, sau đó đăng tải trên website, các trang mạng xã hội, các ứng dụng di động, vừa kinh doanh vừa ẩn dưới danh nghĩa phục vụ bạn đọc miễn phí, có nền tảng còn ngang nhiên đổi tên người dịch để tránh bị phát hiện; Bán sách lậu, sách giả thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử; Phát sóng trực tiếp (livestream) đọc sách trên mạng xã hội để tăng tương tác, tóm tắt, đánh giá (review) sách.
Bà Ông Thị Ngọc Linh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM, cho rằng, chuyển đổi số đã mang đến cho ngành xuất bản không ít cơ hội, cụ thể: mở rộng thị trường; tăng cường tương tác với độc giả, tác giả, dịch giả; cá nhân hóa trải nghiệm đọc; nâng cao hiệu quả hoạt động và công tác quản lý.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số của ngành xuất bản là việc xây dựng một hệ thống dữ liệu đồng bộ và hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Việc quản lý lượng lớn dữ liệu đa dạng, từ văn bản đến hình ảnh, âm thanh, trong một môi trường thống nhất đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ và nhân lực.
“Chuyển đổi số trong ngành xuất bản đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn đối với đội ngũ nhân sự. Thách thức lớn nhất nằm ở việc thích ứng với công nghệ và tư duy số. Các biên tập viên, nhà thiết kế, và nhân viên kinh doanh truyền thống cần không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng để làm việc với các phần mềm, công cụ số hóa. Đồng thời, họ phải thay đổi tư duy từ làm việc theo cách truyền thống sang làm việc trong một môi trường năng động, linh hoạt và sáng tạo hơn”, bà Ông Thị Ngọc Linh nói thêm.
Tại chương trình, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống ngành Xuất bản, in và Phát hành sách Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam đã kết nạp thêm hội viên mới là 2 đơn vị xuất bản, phát hành xuất sắc gồm: Ban Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Ban Lãnh đạo Công ty TNHH Đường sách Buôn Ma Thuột.
Cũng nhân dịp này, Sở TT-TT TPHCM khen thưởng các tập thể đã có thành tích đóng góp vào các hoạt động kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam trên địa bàn TPHCM cho 11 tập thể, gồm: Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tại TPHCM, NXB Tổng hợp TPHCM, NXB Trẻ, Hội In Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần In Khuyến học phía Nam, Công ty TNHH bán lẻ phương Nam, Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A, Công ty Cổ phần Văn hóa Truyền thông Quán sách mùa thu, Công ty TNHH Công nghệ WeWe, Công ty Cổ phần Fonos, Công ty TNHH Đường sách TPHCM.