
Tên gọi của thực trạng lừa đảo này bắt nguồn từ việc những email lừa đảo được gửi dưới danh nghĩa của các cá nhân giàu có và có tầm ảnh hưởng từ Nigeria và theo thời gian, nội dung của các email lừa đảo này ngày một biến tướng, khi kẻ gian trở nên tinh vi hơn trong việc khai thác các sự kiện thời sự và xu hướng phổ biến để thu hút sự chú ý của nạn nhân.
Theo báo cáo vừa công bố của hãng bảo mật Kaspersky, trong năm 2023 và 2024, các nhà nghiên cứu của Kaspersky đã phát hiện hơn 5.260 vụ lừa đảo qua email do các đối tượng Nigeria dẫn đầu tại Việt Nam.
Chiêu trò lừa đảo của nhóm người Nigeria yêu cầu nạn nhân phải thanh toán trước một khoản phí nào đó. Kẻ gian thường hứa hẹn một số tiền lớn, cơ hội đầu tư hấp dẫn hoặc đặc quyền riêng biệt và yêu cầu nạn nhân phải trả trước một khoản phí. Khoản phí này thường được ngụy trang dưới các hình thức như phí xử lý, phí pháp lý hoặc phí đi lại. Ngay khi nạn nhân nhẹ dạ nghe theo, kẻ gian sẽ lập tức biến mất cùng số tiền.
“Chiêu trò lừa đảo của nhóm người Nigeria đã tồn tại trong nhiều năm và vẫn là một trong những hình thức lừa đảo trực tuyến tinh vi và linh hoạt nhất. Kẻ gian có thể giả danh nhân vật có thật hoặc hư cấu, chẳng hạn như chủ ngân hàng, luật sư, giám đốc doanh nghiệp, thậm chí cả quan chức cấp cao, và dựng lên những câu chuyện phức tạp để thao túng nạn nhân. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và cải thiện kỹ năng an toàn số để nhận diện và chống lại những thủ đoạn thao túng này”, bà Anna Lazaricheva, chuyên gia phân tích thư rác tại Kaspersky nhận định.
Để bảo vệ bản thân, Kaspersky khuyến nghị mọi người luôn cảnh giác trước những lời đề nghị hấp dẫn và thận trọng với các email tự xưng được gửi từ cá nhân có tầm ảnh hưởng. Nếu bắt buộc phải trao đổi với một người lạ, hãy kiểm tra kỹ thông tin trong email trước khi trả lời, đặc biệt chú ý đến các điểm bất thường, lỗi ngữ pháp, hoặc chi tiết không hợp lý. Nếu email thực sự đến từ một người gửi hợp pháp nhưng nội dung có dấu hiệu bất thường, hãy xác minh lại thông tin qua một kênh liên lạc khác trước khi phản hồi…