Ngày 15-12, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” (cuộc vận động) giai đoạn 2016-2021.
Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thông qua 5 nội dung toàn diện của cuộc vận động đã góp phần thực hiện có hiệu quả 19 tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM. Trong 5 năm qua, nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 26,7 triệu m2 đất để làm đường, công trình dân sinh, huy động hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn. Những kết quả đã đạt được đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Cả nước chung sức xây dựng NTM”.
Đặc biệt, trong thực hiện cuộc vận động, giai đoạn 2016 - 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội được 32.051 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, kết hợp với nguồn vận động được này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã giúp xây mới và sửa chữa 228.221 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo.
Cùng với đó, trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19, MTTQ các cấp cùng với các tổ chức thành viên đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh; Vận động, quyên góp ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Tính từ ngày 1-5 đến nay, tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được qua hệ thống MTTQ Việt Nam là 12.510 tỷ đồng; đã phân bổ, hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch và 3.981.485 phần quà Đại đoàn kết/túi quà an sinh với trị giá là 10.854 tỷ đồng
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, cùng với việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong phát triển nông thôn ở nước ta. Cuộc vận động đã động viên nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy nguồn lực, tiềm năng, sức mạnh nội lực của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự. Thông qua cuộc vận động cho thấy, ý chí, tinh thần đoàn kết, chia sẻ của người dân Việt Nam, càng gian khó thì tinh thần đoàn kết, tính kết nối cộng động lại càng được gắn kết.
Đặc biệt, cuộc vận động góp phần quan trọng vào thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ tự quản ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã bổ sung thêm phương châm “dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân bàn bạc xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước phù hợp, triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo; gần 700.000 mô hình tự quản trên các lĩnh vực được hình thành và hoạt động hiệu quả… Qua đó làm cho cuộc vận động ở khu dân cư thêm sinh động, phong phú được nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền, mặt trận với nhân dân.
Trong thời gian tới, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" tiếp tục được xác định là nội dung trọng tâm của công tác mặt trận tham gia thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại mỗi địa phương và trên địa bàn cả nước.
Theo ông Lê Tiến Châu, triển khai cuộc vận động phải xác định rõ vai trò làm chủ của nhân dân, nhân dân là chủ thể của cuộc vận động, từ đó xác định nội dung của cuộc vận động bao trùm các lĩnh vực trong đời sống xã hội, liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh. Thước đo đánh giá kết quả của cuộc vận động chính là sự ấm lo, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân. Mỗi một cộng đồng cần lựa chọn những mục tiêu, cách làm phù hợp hoàn cảnh thực tế, trực tiếp giải quyết nhu cầu của nhân dân, qua đó thu hút sự tham gia tự giác của đông đảo nhân dân, khơi dậy động lực, khí thế thi đua sôi nổi, sức sáng tạo mạnh mẽ trong nhân dân, phát huy nội lực, tăng cường đoàn kết gắn bó trong cộng đồng, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.