Đây là việc làm cần thiết khi dư luận đã có nhiều hoài nghi về tính pháp lý của hồ sơ đánh giá cho việc cấp phép nhận chìm trước đó.
Nhận chìm là khái niệm “đánh tráo”
Ngày 24-7, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, chuyến khảo sát do 9 chuyên gia, nhà khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện, đã kết thúc vào ngày 21-7, sau 4 ngày khảo sát. Các chuyên gia đã khảo sát trong phạm vi rộng 30ha tại vùng biển dự kiến nhận chìm vật chất nạo vét thuộc xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên. Theo PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, có 4 nội dung khảo sát đã được thực hiện, gồm: đo đạc, vẽ bản đồ địa hình, quay phim hiện trạng nền đáy; lấy mẫu trầm tích và mẫu sinh vật đáy trong trầm tích.
Việc nhận chìm chất thải sẽ có tác động tiêu cực đến môi trường biển, nhất là Khu bảo tồn biển Hòn Cau
Trước ý kiến cho rằng việc khảo sát, thu thập số liệu nền lẽ ra phải thực hiện trước khi cấp phép nhận chìm, nhưng lại được thực hiện sau khi cấp phép, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn từ chối bình luận về việc này, vì Viện Hải dương học là cơ quan tư vấn độc lập. “Chúng tôi thực hiện theo yêu cầu của Bộ TN-MT, còn quy trình thì người ta làm rồi, báo cáo đánh giá tác động môi trường thì người ta cũng đã làm. Hiện các anh em trong đoàn đang xử lý số liệu. Sáng 25-7, chúng tôi báo cáo sơ bộ với Bộ TN-MT vì một số mẫu thu thập được hiện vẫn đang trong quá trình tiếp tục phân tích”, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn thông tin.
Cùng ngày, PGS-TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, nêu ý kiến rằng, để việc nhận chìm không làm ảnh hưởng đến môi trường biển thì người ta phải đóng thùng, đóng hòm chì và thả xuống biển ở một độ sâu nhất định. Hơn nữa, việc nhận chìm là phải có thời gian và kỹ thuật nhận chìm phải rõ ràng, bởi việc xả thải này sẽ dẫn đến tác động cơ học, làm cho đáy biển cao lên. Ở đây, hơn 900.000m3/30ha thì sẽ cao tương đương khoảng 3m nhưng cho nó phân tán thì còn khoảng 3cm, mà 3cm cũng đã làm thay đổi địa hình.
“Nhận chìm phải có chỗ của nó, chứ không phải chỗ nào nhận chìm cũng được, rồi phải có thời gian, chứ không phải thời gian nào cũng làm được. Đặc biệt là không để nguồn thải ấy gây lại ô nhiễm thứ cấp, tức là gây ô nhiễm ra. Cái gọi là nhận chìm ở đây thực chất là xả thải”, PGS-TSKH Nguyễn Tác An khẳng định.
Đề xuất xem xét lại
Ngày 24-7, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng liên quan đến 2 dự án nhận chìm vật chất nạo vét xuống khu vực biển Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 và Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trong văn bản nêu trên, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận kiến nghị Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét lại việc cấp phép cho nhận chìm vật chất nạo vét xuống biển một cách thận trọng, khách quan và toàn diện rồi mới quyết định tiếp. Hiện có nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học đang có những ý kiến còn trái chiều khiến dư luận lo lắng. Tại văn bản, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận cũng kiến nghị Trung ương xem xét, chỉ đạo, nghiên cứu phương án khác khả thi hơn việc cho nhận chìm vật chất nạo vét xuống biển, như có thể sử dụng vật liệu này để san lấp mặt bằng làm các công trình lấn biển.
Trả lời câu hỏi của Báo SGGP về việc liệu Bộ TN-MT có quá vội vàng khi cấp phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm gần 1 triệu m³ vật chất nạo vét xuống khu vực biển Vĩnh Tân?, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết: “Việc này để Bộ TN-MT sẽ xem xét cụ thể. Tuy nhiên, vừa rồi có một số chuyên gia, nhà khoa học có ý kiến rằng việc nhận chìm vật chất nạo vét có thể sẽ có tác động tiêu cực đến môi trường, nên theo chúng tôi Bộ TN-MT cần phải xem xét lại một cách thận trọng, nhiều mặt, nhiều chiều trước khi có quyết định tiếp theo”.
Liên quan đến việc EVNGENCO3 đang hoàn tất các thủ tục để đề nghị Bộ TN-MT cấp phép cho nhận chìm 2,4 triệu m³ vật chất nạo vét xuống khu vực biển Vĩnh Tân, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cũng trong văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư và các đơn vị liên quan, tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Trung ương chưa tiến hành cấp phép nhận chìm và nên tìm phương án, giải pháp khác phù hợp hơn.
Bỏ qua yếu tố “độc nhất vô nhị” của biển Bình Thuận
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa: “Biển Bình Thuận đa dạng về thủy hải sản bậc nhất Việt Nam bởi đây là vùng sinh thái nước trồi, độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Thế nhưng, qua theo dõi đánh giá của tôi, các nhà khoa học không nhắc đến yếu tố quan trọng này, điều này rất nguy hiểm cho việc kết luận cho đổ thải hay không. Nếu bây giờ cho đổ thải xuống biển, chắc sẽ giết chết cả một vùng sinh thái biển không chỉ phạm vi ở Bình Thuận, mà còn lan rộng ra toàn khu vực biển các tỉnh khác. Nếu biển bị làm xấu thì không có cách nào hình thành nên những vùng biển nước trồi tương tự, ngư trường tuyệt vời nhất Việt Nam sẽ biến mất. Một vùng nước trong vốn yên bình, bây giờ cho khuấy đục lên thì thử hỏi có tôm cá nào không bỏ đi”.