
Từ đề nghị do Honduras khởi xướng và Mỹ ủng hộ, vào cuối tháng 2-2005 vừa qua, với 71 phiếu thuận, 35 phiếu chống và 43 phiếu trắng, Ủy ban Lập pháp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua quyết định nghiêm cấm nhân bản vô tính người dưới mọi hình thức, bao gồm cả những kỹ thuật được sử dụng trong nghiên cứu tế bào gốc.

Những đứa trẻ sinh ra từ nhân bản vô tính liệu có sinh sống bình thường là câu hỏi đặt ra cho giới chuyên môn.
Mặc dù vậy, quyết định này cũng đã làm nảy sinh những bất đồng sâu sắc trong các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc. Các nước Anh, Bỉ, Singapore… cho rằng quyết định nêu trên không hề ảnh hưởng tới công cuộc nghiên cứu tế bào gốc vì mục đích trị liệu của họ. Một số nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc cho biết ở nước họ cũng sẽ ban hành lệnh cấm nhân bản vô tính sinh sản nhưng vẫn cho phép các công trình nghiên cứu tế bào gốc phôi thai tiếp tục thực hiện.

Hình ảnh về việc nhân bản vô tính từ phôi thai người.
Rất nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực này cho rằng việc nghiên cứu tế bào gốc từ phôi thai người nhân bản có thể mở ra những triển vọng mới nhằm mục tiêu chữa trị một số chứng bệnh nan y trước nay con người phải bó tay như bệnh tiểu đường, bệnh Alzheimer, ung thư, tổn thương tủy sống...
Chuyên gia về tế bào gốc Stephen Minger thuộc Trường ĐH Hoàng gia London (Anh) cho rằng quyết định của Liên hiệp quốc vừa được thông qua chỉ nhắm vào những mục đích chính trị sai lệch mà không có những căn cứ cẩn trọng về mặt tri thức khoa học. Ông Stenphen Minger cũng tỏ ra khó hiểu khi Mỹ đã kêu gọi cấm nhân bản vô tính tại diễn đàn Liên hiệp quốc trong khi ở nước này các nhà khoa học vẫn có thể theo đuổi các công trình tương tự bằng nguồn quỹ cá nhân mà không hề bị chính phủ cấm đoán (?).
Trước nhiều ý kiến bất đồng khác nhau, Đại hội đồng Liên hiệp quốc cũng ra thêm quyết định phải chờ tới khóa họp cuối năm nay với sự tham gia đầy đủ của 191 nước thành viên để cùng đưa ra quyết định cuối cùng.
THÚY QUỲNH
- Năm 1997: Cừu Dolly, loài động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính từ tế bào trưởng thành bình thường, mở ra bước đột phá lớn trong nghiên cứu nhân bản vô tính. -Tháng 1-2004: Giáo sư Hwang Woo-suk (Hàn Quốc) cùng các đồng sự thực hiện thử nghiệm công trình nhân bản phôi người và đây được xem là một công trình đầu tiên trên thế giới đã thực hiện thành công việc nhân bản vô tính phôi thai người cũng như thiết lập được nhiều dòng tế bào gốc khác nhau. |