Trong chương trình Điều còn mãi dự kiến diễn ra ngày 2-9, nhạc trưởng Lê Phi Phi sẽ trở lại sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội cùng với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Với nhạc trưởng Lê Phi Phi, một nghệ sĩ Việt Nam nhưng đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài thì việc trở về nước, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng quốc gia trong một chương trình nghệ thuật đỉnh cao vừa là một vinh dự vừa là trọng trách lớn.
PHÓNG VIÊN: Các nhà hát thường cho rằng chương trình nghệ thuật khó bán vé bởi thói quen đi xem bằng vé mời đã tồn tại quá lâu, làm cản trở sự phát triển của nghệ thuật. Quan niệm của anh về việc này ra sao?
Nhạc trưởng LÊ PHI PHI: Đối với những người làm nghệ thuật, phần thưởng lớn nhất là sự cổ vũ của khán giả. Ở một xã hội văn minh, phát triển, thù lao của một nhạc trưởng như tôi rất cao. Ở trong nước thì khác, đời sống của chúng ta đang ở mức nhất định nên vé không thể nào cao được.
Song đáng mừng là 5 năm trở lại đây, khi trở lại Việt Nam làm việc, những chương trình nhạc cổ điển bán vé rất tốt, đặc biệt là ở TPHCM. Nhà hát Nhạc - vũ kịch TPHCM một tháng có 3 chương trình vào ngày 9, 19, 29 và hầu hết các chương trình đều bán hết vé. Điều này chứng tỏ hiện tượng đi xem bằng vé mời đã giảm đi rõ rệt. Ở Hà Nội cũng vậy.
Theo dõi trên nhiều trang mạng xã hội, vé của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Vũ kịch Việt Nam đều bán rất tốt. Không phải chương trình nào cũng bán được 100% vé, tuy nhiên lượng vé bán được thường đạt đến 2/3. Đó là điều đáng mừng. Theo tôi, những người phải có vé mời mới đi xem đã trở thành thiểu số.
Chúng ta giờ đã có một lượng khán giả trẻ nghe nhạc cổ điển. Họ có thể là người hoạt động nghệ thuật, nhưng cũng nhiều bạn đang làm trong ngành nghề chẳng liên quan gì đến nhạc cổ điển như kinh doanh nhưng họ có trình độ văn hóa cao về mọi mặt ngoài chuyên môn của mình. Cách đây 10-15 năm, khán giả đi nghe nhạc cổ điển thường là lứa tuổi trung niên và có tuổi thì nay vé bán rất nhiều cho những người trẻ tuổi.
Âm nhạc đang có chỗ đứng trong đời sống văn hóa của TPHCM và Hà Nội. Để được như vậy là sự nỗ lực rất lớn của nhiều phía, nhưng mỗi môi trường âm nhạc dường như có những cá tính và đặc điểm khác biệt?
Mỗi TP có lượng khán giả khác nhau, thành phần nghe nhạc khác nhau. Ở Hà Nội người đi nghe nhạc cổ điển nhiều hơn, lượng người có hiểu biết và yêu thích dòng nhạc này chiếm số nhiều, trong khi ở TPHCM lượng khán giả trẻ, năng động xuất hiện nhiều. Khán giả TPHCM không nhất thiết phải có am hiểu nhiều về nhạc cổ điển mà đến vì đơn giản họ thích, hào hứng khám phá cái mới. Hai cách sống, nhịp thở khác nhau cũng ảnh hưởng tới xu hướng nghe nhạc. Song tôi cho rằng để có được môi trường âm nhạc tốt và lượng khán giả quan tâm tới nhạc giao hưởng như hiện nay là sự nỗ lực rất lớn của các giám đốc dàn nhạc, nhà hát…
Việc chỉ huy dàn nhạc chơi tác phẩm của chính cha mình (nhạc sĩ Hoàng Vân) và ông cũng có mặt ở hàng ghế khán giả có gây cho anh nhiều áp lực không?
Bố tôi - nhạc sĩ Hoàng Vân là khán giả thường xuyên của phần lớn các chương trình tôi thực hiện ở Việt Nam. Trước khi biểu diễn, luyện tập, dàn dựng, đặc biệt là những tác phẩm của bố, tôi thường xuyên trò chuyện, hỏi han ông về mọi điều liên quan tới tác phẩm ấy như lịch sử ra đời, tại sao, nội dung, hoàn cảnh… để chuyển tải tinh thần của các tác phẩm của ông tốt hơn, giàu cảm xúc hơn. Tôi không chỉ hỏi han, tham khảo được ở ông những thông tin liên quan tới tác phẩm của bố tôi mà ông cũng giúp tôi có được nhiều thông tin về tác phẩm của các nhạc sĩ cùng thời như Hồ Bắc, Nguyễn Đình Thi…
Các chương trình của tôi trực tiếp tham gia, ông thường không bao giờ nhận xét ngay mà phải ngủ qua một đêm, vào buổi sáng hôm sau, tôi giống như một cậu bé đến trả bài. Tôi rón rén mời bố đi ăn sáng, uống cà phê sau đó mới mạnh dạn hỏi bố những nhận xét về buổi biểu diễn hôm trước như thế nào. Ông luôn đưa ra những nhận xét rất nghiêm khắc đối với riêng tôi và với chất lượng nghệ thuật của chương trình.
Tên tuổi của nhạc trưởng Lê Phi Phi đã gắn bó với nhiều chương trình nghệ thuật giao hưởng lớn. Song môi trường làm việc của anh lại không phải ở Việt Nam, anh có tính tới việc bồi dưỡng, xây dựng lực lượng kế tiếp?
Cái này liên quan tới giáo dục và đào tạo. Một chỉ huy dàn nhạc cần rất nhiều tố chất ngoài việc là một người nhạc công giỏi. Người đó còn phải giỏi tâm lý, có kinh nghiệm về giáo dục, có sức khỏe và nhẫn nại, nghiêm khắc. Anh là “thầy giáo” của một tập thể trên 60 con người, làm sao phải thuyết phục, thu hút họ trong cùng một khoảnh khắc cùng với anh cảm nhận được tính cách âm nhạc, hòa cùng với nhau…
Riêng với chương trình Điều còn mãi, lại cần có một bề dày hiểu biết về nền âm nhạc Việt Nam, tác giả Việt Nam. Tất nhiên phải có lớp kế thừa. Song không phải chỉ một bạn trẻ tốt nghiệp ra trường làm nhạc trưởng học xong khoa Chỉ huy của Học viện Âm nhạc quốc gia hay Học viện Âm nhạc TPHCM là có thể đảm đương được trách nhiệm này. Đó là sự giao hòa giữa nhạc trưởng - ca sĩ và dàn nhạc. Đòi hỏi nhạc trưởng phải có kinh nghiệm - mà kinh nghiệm này là cái tích lũy dần theo năm tháng chứ không thể đốt cháy giai đoạn.
Việc tham gia nhiều năm vào chương trình âm nhạc đặc biệt tại Việt Nam có gây khó khăn với một nghệ sĩ sinh sống, làm việc ở nước ngoài như anh?
Ở xa nhưng tôi luôn luôn hướng về Tổ quốc, đóng góp hết mình cho sự nghiệp phát triển nền âm nhạc cổ điển ở Việt Nam. Việt Nam là địa điểm đầu tiên tôi lên lịch biểu diễn hàng năm của mình. Ở đó có bố mẹ, họ hàng, bạn bè… nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Tôi ở xa quê hương, nhưng vẫn rất gần.