Đặc thù đô thị lớn, quản lý nhiều cơ sở vật chất giá trị và chịu áp lực đầu tàu về thành tích nên bất kỳ sự điều chỉnh nào về mô hình quản lý cũng sẽ gây xáo trộn đối với thể thao thành phố.
Nhưng đó chưa phải là vấn đề lớn, bởi trên thực tế, với cơ cấu tổ chức như hiện nay thì thể thao TPHCM cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong công tác quản lý đòi hỏi phải có một nhạc trưởng riêng trước thực trạng không lên - không xuống hiện nay. Do đặc thù của mình, ngành thể thao thành phố sở hữu nhiều cơ sở vật chất tọa lạc ở những “vị trí vàng”, phù hợp với tiêu chí phục vụ tập luyện theo mật độ dân cư.
Nhưng tính hiệu quả trong hoạt động của các cơ sở nói trên lại đang là một dấu hỏi và cũng vì chưa giải được bài toán này nên gần tròn 20 năm qua, tính từ SEA Games 22-2003 đến nay, không có một địa điểm thi đấu đẳng cấp quốc tế nào mới được xây dựng trong nội đô, trong lúc Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc ngày càng bị thu hẹp về diện tích và công năng để nhường đất cho hạ tầng đô thị.
Quy hoạch thể thao của TPHCM hiện vẫn đang đi sau các lĩnh vực khác nên mới có tình trạng khu trung tâm thì nhiều địa điểm tập luyện nhưng lại khai thác nhỏ lẻ trong khi các quận, huyện vùng ven lại thiếu các khu thể thao phục vụ cho đào tạo và rèn luyện sức khỏe dù vẫn còn đất xây dựng, dân cư thu nhập thấp khá đông đúc. Do khai thác chưa hiệu quả, ngành thể thao thành phố rơi vào tình trạng thiếu kinh phí phát triển một cách chủ động. Nếu như có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, khó khăn tài chính sẽ còn nặng nề hơn.
Ở khía cạnh con người cho thể thao đỉnh cao cũng vậy. Tại SEA Games 31 vừa qua, TPHCM đoạt đến 42 HCV, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, con số này không phản ảnh được tất cả. TPHCM đóng góp 25% trong tổng số huy chương của đoàn thể thao Việt Nam nhưng xét về số lượng HCV thì chỉ chiếm chưa đến 20%. Trước khi SEA Games diễn ra, thể thao TPHCM chỉ dự báo khoảng 15 HCV, con số khá khiêm tốn nếu so với việc cử đi hơn 200 VĐV tranh tài. Nói cách khác, nếu căn cứ trên tỷ lệ dân số, điều kiện kinh tế và vai trò của mình, không thể nói là thể thao thành phố đã làm tốt hơn trước. Cần phải nhìn nhận là thể thao TPHCM chưa khai thác hết nội lực của mình.
Đó là lý do cần có một nhạc trưởng, một cơ cấu tổ chức mới cho thể thao TPHCM. Từ đặc thù của một đô thị lớn nhất nước, nếu như các lĩnh vực văn hóa, du lịch có thể bị thu hẹp quy mô do chịu sự tác động của nhiều loại hình giải trí hiện đại, hoặc sự thay đổi về thị hiếu thì với thể dục thể thao, nhu cầu mở rộng cơ sở vật chất hay con người luôn phải ngày một lớn hơn. Đô thị càng lớn, dân cư càng đông thì càng cần dành thêm đất cho công viên, trung tâm thể thao.
Năm 2015, Singapore đã chi ra gần 3 tỷ USD để xây dựng các nhà thi đấu mới với mục tiêu người dân không di chuyển quá 800m để đến một địa điểm tập thể thao. Càng sống trong môi trường hiện đại, năng động, cạnh tranh thì nhu cầu tập luyện TDTT càng lớn. Đó là chưa nói đến nhiệm vụ tiên phong của thể thao TPHCM trong phát triển thể thao chuyên nghiệp. Về lý thuyết, số lượng các CLB nghà nghề ở TPHCM sẽ còn nhiều hơn, quy mô lớn hơn, cần nhiều cơ sở vật chất, con người hơn bất kỳ địa phương nào.
Tóm lại, với TPHCM, sự phát triển thể thao không chỉ đo lường bằng số lượng huy chương ở các kỳ SEA Games hay đại hội toàn quốc mà phải bằng chất lượng đóng góp vào đời sống của cư dân đô thị, nguồn tài chính cho nền thể thao quốc gia nhờ các ưu thế về cơ chế và điều kiện xã hội.