Dự án vì trẻ thơ
Tập sách nhạc 100 bài hát thiếu nhi mang một dấu ấn đặc biệt: có lời bài hát, có bản nhạc, có tranh vẽ minh họa từng bài hát dành để tô màu, có kèm một đĩa CD audio để các bé nghe và học hát theo. Các bài hát trong đĩa CD do các bé học trò của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thể hiện, đó là các giọng ca trẻ thơ: Bảo An, Bào Ngư, Thư Kỳ, Bảo Ngọc, Ben, Trang Thư, Hiếu Kiên…
100 bài hát được hệ thống thành nhiều chủ đề khác nhau: các ngày lễ tết (Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Noel…), gia đình (ông bà, cha, mẹ, anh chị em…), mái trường (thầy cô, bạn bè, những bài học lễ phép…), cổ tích, quê hương đất nước, mùa hè, khám phá, động vật… xoay quanh những vấn đề trong cuộc sống của các bé, những khám phá của các bé đối với thế giới. Trong từng ca khúc, giai điệu âm nhạc lúc nhẹ nhàng, lúc sôi nổi và ca từ gần gũi giúp thiếu nhi dễ cảm, thích thú. Ba năm qua, mỗi năm, tác giả Nhật ký của mẹ viết từ 20 - 30 bài hát, phát hành thêm 4 album (mỗi album 10 bài hát thiếu nhi). Ngoài ra, anh còn dành nhiều thời gian dạy nhạc, hát cho 8 học trò. Từ giao tiếp hàng ngày với con trai nhỏ và các học trò, anh nắm bắt tâm tư, cảm xúc của các bé để nuôi dưỡng ý tưởng và đầu tư sáng tác.
Sau khi ra mắt tập sách nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung còn cùng một số đơn vị đối tác phối hợp thực hiện một chuỗi sự kiện: cuộc thi hát dành cho các bé tổ chức tại Vietopia; thi tô màu, tổ chức Liên hoan Thiếu nhi quốc tế vào Tết Trung thu; đưa tập sách nhạc đến 60 trường mầm non và tiểu học theo dự án Cùng bạn đến trường… Nhờ đó, các bài hát lan tỏa rộng hơn trong đời sống trẻ thơ TPHCM.
Con đường còn chông gai
Nhiều năm qua, các nhạc sĩ thường ngại viết cho thiếu nhi, ngay cả các nhạc sĩ chuyên viết nhạc thiếu nhi cũng ngày càng ít ỏi, khiến thị trường âm nhạc càng lúc càng ít những sáng tác mới. Bên cạnh đó, việc thu hồi vốn đầu tư cho tác phẩm âm nhạc thiếu nhi còn rất khó khăn. Con đường để sáng tác dành cho thiếu nhi thường dài hơn nhạc trẻ: sau khi ra đời, nhạc thiếu nhi phải được biểu diễn, quảng bá trong một thời gian dài, chờ đợi sự thẩm thấu, lan tỏa trong cộng đồng, khi ấy, người viết mới dám nghĩ đến nguồn thu từ tác phẩm.
Giữa tình hình thị trường âm nhạc gặp nhiều khó khăn, việc đầu tư chất xám và kinh phí để ra mắt tập sách nhạc 100 bài hát thiếu nhi khiến những người quan tâm đến hoạt động văn hóa nghệ thuật thiếu nhi vừa mừng, vừa lo. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Đây là một dự án âm nhạc mà tôi rất tâm đắc. Với dự án này, tôi cũng rất lo vì hành trình theo đuổi một hướng đi, một dòng nhạc mới không biết có thành công không. Đây cũng là một dự án khá tốn kém: hòa âm 1 triệu đồng/bài, thu âm 800.000 đồng/bài, in CD 8.000 đồng/đĩa, ê kíp họa sĩ vẽ hình minh họa cho từng bài hát để các bé tô màu, 100.000 đồng/hình, chi phí in sách… Nhưng khi nhìn học trò ngày một trưởng thành hơn, được người thân ủng hộ, tôi lại vững niềm tin đi tiếp con đường đã chọn. Ngoài ra, tôi cố gắng làm tốt nhất dự án âm nhạc này cũng vì niềm trăn trở các em thiếu nhi phải được sống trong một môi trường âm nhạc đúng nghĩa, được hát những bài hát đúng với lứa tuổi của mình - những bài hát trong sáng, hồn nhiên, dễ thương, chứ không phải cứ chịu áp lực, gồng mình để hát những bài hát của người lớn trong các cuộc thi, các gameshow. Tôi rất mong muốn sẽ có thêm nhiều nhạc sĩ khác sáng tác cho thiếu nhi, các đơn vị tổ chức chương trình quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực âm nhạc thiếu nhi”.
Hy vọng, với sự tâm huyết và những nỗ lực của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, các nhạc sĩ TPHCM sẽ cùng tiếp sức với anh, bắt tay đầu tư sáng tác thêm những bài hát thiếu nhi mới, góp phần làm sôi nổi, phong phú hoạt động nghệ thuật vì trẻ thơ.