“Tàu ta lướt về Tây Nam mến thương/ Những trái tim rực hồng Thành phố Bác/ Biển Tây Nam còn âm vang chiến tích/ Bao hùng anh quyết giữ gìn đảo thiêng”… Lời ca khúc Sáng ngời biển trời Tây Nam vút lên, cứ thế vang vọng mãi trong lòng các thành viên đoàn đại biểu TPHCM đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 (từ ngày 9-11 đến ngày 16-11). Nhạc sĩ Trần Xuân Mai Trâm (ảnh) - tác giả bài hát, nữ nhạc sĩ hiếm hoi có nhiều sáng tác về biển đảo, đã có những chia sẻ cùng phóng viên Báo SGGP về hành trình âm nhạc của mình.
PHÓNG VIÊN: Khi viết ca khúc Sáng ngời biển trời Tây Nam cách đây vài ngày, cảm xúc trong chị ra sao?
NHẠC SĨ TRẦN XUÂN MAI TRÂM: Đây là lần đầu tiên Trâm được đến biển đảo Tây Nam nên rất xúc động, háo hức. Bài hát Sáng ngời biển trời Tây Nam được hoàn thành chỉ trước khi rời bến 5 ngày, với chất liệu duy nhất là tình yêu tha thiết biển đảo quê hương.
Trước đó, Trâm may mắn được đi Trường Sa 4 lần. Quả thật, trải nghiệm qua từng chuyến đi tuy có khác nhau nhưng cảm xúc vẫn nguyên vẹn, và thực sự tròn đầy hơn. Được đem lời ca tiếng hát vượt ngàn trùng sóng, Trâm và các nghệ sĩ như được tiếp thêm sức mạnh, động lực từ chính các chiến sĩ, để khi mang ra tình cảm chúng ta sẽ mang về niềm tin.
Là con gái của nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, chị và cha đứng tên khá nhiều nhạc phẩm. Qua những lần “hợp tác” với cha, chị học hỏi được điều gì? Có lúc nào chị thấy áp lực, sợ bị so sánh khi có người cha nhạc sĩ nổi tiếng chưa?
Trâm không áp lực mà luôn biết ơn khi được là con của cha mẹ. Từ khi còn nhỏ, Trâm đã được cha mẹ nuôi dưỡng tâm hồn bằng âm nhạc. Cha là nhạc sĩ lý luận âm nhạc, tham gia phong trào đấu tranh học sinh - sinh viên Sài Gòn “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Mẹ là ca sĩ có giọng hát rất hay, Trâm được tiếp cận với âm nhạc truyền thống cách mạng khi còn bé xíu. Có lẽ vì vậy mà tình yêu quê hương, niềm tự hào truyền thống đấu tranh của cha ông đã thấm vào tâm hồn mình một cách tự nhiên, vô tư nhất. Gần đây, những bài hát 2 cha con viết cùng nhau khá nhiều. Trâm lấy ý tưởng về nội dung, ca từ của cha, sau đó dùng dòng chảy âm nhạc của mình để tiến hành giai điệu cho bài hát. Một số bài gần đây được đón nhận tích cực như: Ánh sao trong mắt Mẹ, Âm vang Trường Sơn…
Các tác phẩm của chị phần lớn hướng đến chủ đề truyền thống cách mạng. Điều gì khiến chị tâm huyết với dòng nhạc này, thay vì “chạy đua” sáng tác những bài nhạc tình thị trường dễ nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền hơn?
Trâm sáng tác nhạc chủ đề truyền thống cách mạng một cách tự nhiên, không cố gắng, cũng không ép buộc cảm xúc của mình. Chỉ mong muốn âm nhạc của mình được các bạn thanh niên yêu thích và sử dụng trong những chương trình, thời điểm phù hợp, góp một phần nho nhỏ trong đời sống âm nhạc của phong trào thanh thiếu niên thành phố.
Là người gắn bó, tâm huyết với các hoạt động phong trào thanh niên của tuổi trẻ TPHCM cũng như cả nước, vốn kinh nghiệm này đã cho chị những chất liệu sáng tác như thế nào?
Trâm có đến gần 21 năm làm việc tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, có thể nói là gắn bó cả thanh xuân với phong trào thanh niên thành phố. Những hành trình của tuổi trẻ, hơi thở, tinh thần xung kích của Đoàn là một chất liệu màu xanh, không bao giờ cạn kiệt trong mỗi bài hát của mình. Tới những vùng đất mới, kết nối với những con người mới, tận mắt nhìn thấy quê hương hùng vĩ, nhìn những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên vùng địa đầu Tổ quốc, gặp những người lính hiên ngang mà bình dị nơi biên cương, không chỉ riêng Trâm mà tất cả mỗi chúng ta đều thêm yêu đất nước mình, biết ơn từng tấc đất thấm bao máu xương cho quê hương hòa bình, độc lập.
Theo chị, viết nhạc về tuổi trẻ và các phong trào của thanh niên hiện nay dễ, khó ra sao? Điều gì sẽ khiến một ca khúc viết về chủ đề này ở lại lâu trong lòng người trẻ?
Viết nhạc cho phong trào thanh niên đối với Trâm dễ mà khó. Dễ vì hiện nay, điều kiện tiếp cận của giới trẻ qua nhiều kênh, nhiều cách rất nhanh, lan tỏa rộng, tìm kiếm dễ dàng. Tuy nhiên, để tác phẩm thấm sâu vào lòng một thế hệ như nhiều bài hát cho phong trào những năm 90 của thế kỷ trước thì lại rất khó. Quá nhiều, quá nhanh, mỗi phong trào yêu cầu vài bài hát, dùng một lần rồi đi vào quên lãng vì phong trào sau lại yêu cầu bài hát mới. Áp lực cho người sáng tác rất lớn, áp lực phải làm sao để ca khúc của mình tồn tại lâu dài lại còn lớn hơn nữa. Và đó cũng là khó khăn chung của người sáng tác nhạc cho phong trào thanh niên hiện nay.
Ngày xưa chị từng khiêm tốn, ngại ngùng khi được gọi là nhạc sĩ bởi cho rằng mình sáng tác còn bản năng. Còn bây giờ, âm nhạc đã là cuộc đời chị. Nhìn lại hành trình đã đi, chị thấy tuổi trẻ thực sự trọn vẹn như thế nào?
Trâm ít khi tự nói mình là nhạc sĩ, chỉ là một người viết nhạc khi tổ chức cần. Mỗi chuyến đi, niềm hạnh phúc tuyệt vời khi bài hát được mọi người đón nhận, vang lên đúng thời điểm. Trâm thường ghi lại những hình ảnh, khoảnh khắc đẹp ở mỗi hành trình để làm những MV, những clip kỷ niệm hành trình lồng ghép với âm nhạc để tất cả chúng ta có thể nhìn lại sau này, cùng nhau lan tỏa để những giai điệu của thanh xuân được vang mãi, viết nên một thời tuổi trẻ sôi nổi, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.
Nhạc sĩ Trần Xuân Mai Trâm là người phụ trách tổ chức, biên tập các chương trình văn hóa văn nghệ phục vụ thanh niên, các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, phụ trách các CLB, đội nhóm của Phòng Văn hóa Thể thao thuộc Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM. Chị ghi dấu ấn với hàng chục tác phẩm về thanh niên, và đặc biệt là 12 tác phẩm về biển, đảo như: Trường Sa Xanh, Trường Sa gửi yêu thương, Mùa xuân biển đảo, Trường Sa cảm xúc và niềm tin, Hành trình đẹp nhất, Như ngọn hải đăng, Như những đóa san hô, Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, Hùng thiêng nước Việt, Biên giới biển đảo trong tim tôi, KN-290 Ngôi nhà thân thương, Sáng ngời biển trời Tây Nam.