Cuộc gặp của những “tay chơi”
Giữa thời buổi mà ngay cả ca sĩ ngôi sao cũng ngại thực hiện live show riêng bởi rất khó thu hồi vốn, Cõi quê - tên live show của Trần Quế Sơn như một cuộc chơi của những “tay chơi” vốn đuổi theo đam mê hơn là những toan tính thực dụng. Chọn lựa Nhà hát Thành phố để thực hiện đêm diễn cũng để nói lên ý tứ này của Trần Quế Sơn. Không gian ấy, vốn không dành cho những gì dễ dãi, chiều chuộng theo thị hiếu số đông, mà từ lâu đã trở thành bảo chứng cho những không gian nghệ thuật chất lượng cao.
Và cả những nghệ sĩ tham gia chương trình cũng là những mảnh ghép làm nên tổng thể một đêm nhạc mãn nhãn cả nghe lẫn nhìn. Ai cũng biết, để nhận được sự gật đầu tham gia trình diễn của những nghệ sĩ như Tùng Dương, Đức Tuấn là đều không dễ. Bởi đơn giản, cá tính riêng lẫn cá tính nghệ thuật mà họ chọn lựa theo đuổi nhiều năm khiến họ luôn khắt khe với mỗi lần xuất hiện và cả không gian xuất hiện. Thế nhưng, như chia sẻ của nhạc sĩ Trần Quế Sơn, việc mời họ tham gia chương trình không hề khó khăn. “Trong số nghệ sĩ hát trong đêm Cõi quê, ngoài Đức Tuấn từng hát 2 ca khúc, có những người chưa từng hát tác phẩm của tôi trước đây. Nhưng có lẽ, họ đồng cảm với tác phẩm nên khi tôi liên lạc mời tham gia, họ đồng ý chăng? Chẳng hạn khi tôi gọi Tùng Dương thì Dương nói: “Ô, xin chào anh Sơn, anh đang làm gì đó? Anh có cõng mẹ đi chơi không?”. Đó là câu hỏi của Tùng Dương, mặc dù Tùng Dương không thân với tôi lắm”, Trần Quế Sơn nhẹ nhàng chia sẻ. Rõ ràng tuy không nói ra, nhưng dù không ném mình vào những ồn ào của đời sống showbiz những nơi sôi động nhất như TPHCM hay Hà Nội, tác phẩm của anh cũng không chạy theo thị hiếu số đông nhưng mức độ phổ biến của cái tên Trần Quế Sơn trong đời sống nhạc Việt không hề mờ nhạt. Bởi trên hết, tự thân các ca khúc gắn tên mình mà Trần Quế Sơn trình làng trước công chúng đủ để nói lên tất cả.
Ngay cả đạo diễn chương trình cũng là một cái tên gây nhiều ngạc nhiên. Đó là đạo diễn Việt kiều không hề xa lạ với công chúng, anh là linh hồn tạo tác ra những vở múa gây tiếng vang rất lớn thời gian qua như Làng tôi, À ố show. Tuấn Lê chỉ sử dụng cảnh trí và diễn viên để minh họa cho các tiết mục trong chương trình mà không hề sử dụng bất kỳ hiệu ứng màn hình LED nào như đại đa số các chương trình khác.
“Gặp được Tuấn Lê là một điều may mắn rất lớn của tôi. Trước đây, tôi từng coi À ố show, Làng tôi do Tuấn Lê làm đạo diễn và vô cùng biết ơn những nghệ sĩ sống ở nước ngoài, nhưng đã đem tài năng, kinh nghiệm học hỏi từ nước ngoài về, tạo ra những tác phẩm giá trị. Đó là những vở diễn mà văn hóa Việt được bảo tồn một cách mới mẻ trong kỹ thuật hiện đại Tây phương. Việc Tuấn Lê huấn luyện diễn viên xiếc minh họa cho chương trình rất hay, không hề ảnh hưởng gì tới ý tưởng ban đầu của tôi”, Trần Quế Sơn nói thêm về cộng sự của mình.
Biên đạo múa với bộ đôi anh em ruột Phúc Hùng - Phúc Hải, cùng dàn vũ công Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TPHCM hay ban nhạc của Dũng Đà Lạt cũng góp phần làm nên sự thành công cho chương trình. Có thể nói, Cõi quê là cuộc gặp gỡ của những “tay chơi” trong mặt bằng chung hiện nay trên thị trường âm nhạc và giải trí.
Cảm thơ Bùi Giáng đến già
Bên cạnh những ca khúc cũ từng đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như Tre Việt Nam, Cõng mẹ đi chơi, trong chương trình nhạc sĩ người Quảng Nam cũng công bố nhiều ca khúc mới như: Hạt sương và cọng cỏ, Con cóc, Con rùa, Nàng tiên của đời anh… Đặc biệt, khoảng 1/3 số ca khúc trong chương trình là cảm thơ thi sĩ Bùi Giáng. Đó cũng là lý do anh thực hiện live show lần này như một sự tưởng niệm nhân 20 năm ngày rời bỏ cõi tạm của Bùi Giáng.
Về cơ duyên đưa anh đến với việc cảm thơ Bùi Giáng, Trần Quế Sơn chia sẻ, có lẽ khởi nguồn từ việc anh vốn dĩ là người mê văn chương từ nhỏ. Chính vì vậy, sau này đọc sách Bùi Giáng dịch và bình, anh đắm đuối các cuốn như Cõi người ta, Mùi hương xuân sắc, Ngộ nhận, Đi vào cõi thơ… lúc nào không hay. Ngoài ra, anh cũng cho rằng, có lẽ do tình đồng hương nên anh dễ đồng cảm với cách hành văn và thơ của Bùi Giáng.
“Bùi Giáng đã gợi cho tôi suy ngẫm biết bao điều về cõi người ta, về sự trùng ngộ, ly biệt, về cuộc ở, cuộc đi, về cái có và không có, về hương sắc mong manh của đời… Những bài thơ huyền diệu thay, tôi cứ đọc như hát, hát như ngâm, ngâm như tiếc nuối sao ông không ở lại yêu trần gian mãi mãi”, Trần Quế Sơn nói về chuyện cảm thơ Bùi Giáng. Còn vì sao gọi là cảm thơ chứ không phải là phổ thơ như thường thấy, Trần Quế Sơn lý giải, do có những bài anh chỉ sử dụng vài câu thơ, thậm chí vài từ của ông mà thôi. “Thơ Bùi Giáng “đỉnh” và rất chặt chẽ, đọc còn thấy ngược ngược, không xuôi, nói gì phổ nhạc thơ ông, buộc tôi phải viết lại. Hơn nữa, khi ta nói phổ mà không viết lại lời thì đó là hát thơ, chứ không phải phổ thơ. Thôi thì dùng từ “cảm thơ”, tôi nghĩ, như thế sẽ hợp hơn”, anh cho biết.
Học sáng tác chính quy tại Nhạc viện TPHCM, trên hành trình gần 20 năm sáng tác, ngoài những ca khúc để lại dấu ấn trong lòng người yêu nhạc như Tre Việt Nam, Cõng mẹ đi chơi, Tình quê, Khi một mình, Yêu cái mặn mà, Em gái quê mình, Lì xì nhé, Dùi chiêng… thì mảng ca khúc cảm từ thơ Bùi Giáng là một điểm xuyết thú vị trong gia tài âm nhạc của Trần Quế Sơn. Và nói như Trần Quế Sơn thì, “thơ ông Bùi Giáng nhiều như vậy, tôi cảm tới già cũng chưa hết”.
Trần Quế Sơn tên thật là Trần Văn Tám, sinh năm 1972, tốt nghiệp chính quy Khoa Sáng tác (Nhạc viện TPHCM) và là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Anh từng phát hành 6 album: Saigon Twist, Vì anh đấy thôi, Thôn nữ, Một thời dấu yêu, Cõng mẹ đi chơi và Tình ca Quảng Nam. Anh cũng từng nhận nhiều giải thưởng về sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. |