Năm 1979, trong một dịp đi thực tế ở đồn biên phòng Quảng Ninh, ông nghỉ chân tại một trạm sửa chữa tàu biển hải quân. Các chiến sĩ từ đảo cho biết, đã công tác ở đó 2 năm, gian khổ, hy sinh chịu được, nhưng “căng thẳng” nhất là rất nhớ nhà và người thân. Có chiến sĩ còn bộc bạch: Ở đảo toàn con trai, rất thèm gặp một cô con gái… Và trên đường dài 100km từ Quảng Ninh về Hà Nội, ông đã sáng tác ca khúc Nơi đảo xa.
Tình cảm hướng về biển đảo của tác giả thật thắm thiết và cũng là tình cảm của hàng triệu con tim người Việt đối với phần đất thiêng liêng của Tổ quốc ngoài khơi xa: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua…”. Gian khổ là vậy, nhưng người lính biển đảo vẫn luôn luôn tin tưởng, lạc quan, yêu đời vì ở quê nhà đang có người thân đang dõi theo từng ngày cuộc sống của các anh: “Lướt sóng con tàu mang tín hiệu trong đất liền/Mắt em nhìn theo con tàu đi xa mãi/… Ơi ánh mắt em yêu như biển xanh, trời xanh trong nắng mới/Nhớ cả hình dáng em mùa gặt nặng đôi vai/Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui/Đây con tàu ra khơi, đây con tàu xa khơi…”.
Người biểu diễn đầu tiên ca khúc Nơi đảo xa của nhạc sĩ Thế Song là ca sĩ Tiến Thành, sau đó là nhiều ca sĩ khác như Trọng Tấn, Tùng Dương… Bài hát nhanh chóng phổ biến khắp cả nước. Nhạc sĩ Thế Song vẫn ghi nhớ một kỷ niệm khó quên: Năm 1995, cùng một số nhạc sĩ khác, ông ra thăm Trường Sa. Trong đêm giao lưu, các chiến sĩ hát bài Nơi đảo xa nghe rất xúc động. Khi được biết có tác giả đang đến thăm đảo, mọi người vui mừng vây quanh.
Từ ca sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam, Thế Song trở thành biên tập viên âm nhạc, nhạc sĩ sáng tác. Trong gia tài đồ sộ của ông với trên 500 tác phẩm, phổ biến nhất chính là ca khúc Nơi đảo xa. Và trong các sáng tác của ông, có rất nhiều bài về biển đảo. Có lẽ tình cảm, duyên nợ của ông đối với nơi này khá đặc biệt: Ngôi nhà lính đảo, Biển mưa, Biển chuyện tình hóa đá, Hoa hồng biển đảo, Mênh mang Trường Sa, Vũng Tàu tình yêu biển, Cát Bà tình em, Biển hẹn Cà Mau…
Ngoài các ca khúc cho người lớn, Thế Song còn sáng tác bài hát cho thiếu nhi. Trong các bài thiếu nhi về anh bộ đội của ông, một đề tài ông từng gắn bó, đáng chú ý có bài Trồng hoa trên đài liệt sĩ: “Em trồng hoa hồng bên anh/Đài chiến công ghi nhớ đời đời/Em được nghe chuyện hôm xưa/Người chiến sĩ giữ gìn non sông…”.
Nhạc sĩ Thế Song tên thật là Nguyễn Thế Song, sinh ngày 1-12-1933, quê An Trạch, Bích Câu, Hà Nội, trong một gia đình đông con và nhiều người hoạt động âm nhạc. Ông là anh ruột của nhạc sĩ Văn Dung, tác giả của ca khúc nổi tiếng Những bông hoa trong vườn Bác.