- PHÓNG VIÊN: Nếu có người nói rằng Quốc Bảo lâu quá không hoạt động gì mới nên phải nghĩ ra show 30 năm hoành tráng để có cái nhắc tới, anh giận không?
Nhạc sĩ QUỐC BẢO: Tôi là một người sống bằng nghề âm nhạc, chuyện tôi có vắng bóng thì là với công chúng thôi, chứ với người trong nghề, những người liên quan đến dự án âm nhạc, chúng tôi vẫn làm việc thường xuyên, tung ra sản phẩm đều đặn. 30 năm tình ca Quốc Bảo giống như một dịp để tôi nhìn lại quãng đường của mình, để xem mình sẽ tiếp tục như thế nào trong thời gian sau. Với tôi, đó là ý nghĩa lớn nhất của dự án âm nhạc sắp tới.
- 30 năm theo nghề, có đỉnh cao và thăng trầm, anh suy nghĩ gì về chặng đường đã qua? Nhìn lại sự nghiệp của mình, anh có sợ những thăng trầm, sóng gió... ?
30 năm, một khoảng thời gian không nhỏ, với rất nhiều va vấp, đau đớn và hạnh phúc nữa. Tôi chia chặng đường ấy ra làm 3 phần, mỗi phần 10 năm. 10 năm đầu, từ 1991 trở đi, là giai đoạn âm nhạc mộng mơ, nhiều ước vọng, kiểu “xinh”, “trầm”, “ngoan”. 10 năm kế tiếp là giai đoạn ngọt và đắng. Lúc này, tôi đã nếm trải nhiều mất mát, vướng víu trong nghề và cả trong đời sống riêng. 10 năm sau là giai đoạn bình yên. Khi đã nếm trải qua tất cả rồi, tôi nghĩ rằng, không có biến cố nào có thể làm cho tôi sốc được nữa. Tôi hoàn toàn bình thản và đã nghĩ xem bây giờ mình làm nghề thêm 10 năm nữa, thì mình sẽ viết ca khúc như thế nào để phù hợp với trải nghiệm, tuổi tác.
- Vậy anh hình dung 10 năm tới mình sẽ viết nhạc như thế nào?
Tôi nghĩ 10 năm sau cùng sẽ dành thời gian để viết cho những gì đó tương đối lớn, như viết nhạc không lời, làm những album cầu kỳ, dài hơi, chứa đựng nhiều ý tưởng. Từ trước đến giờ, tôi thường viết cho các ca sĩ, chủ yếu là ca khúc lẻ. Bây giờ, tôi muốn có những vệt ca khúc xuyên suốt, xâu chuỗi, có ý tưởng. Viết cho ai hát thì tôi chưa biết, nhưng chắc chắn tôi sẽ viết những gì tôi yêu thích và mong được viết.
- Tại sao là 10 năm sau cùng? Không phải nghệ thuật là không giới hạn, bất kể tuổi tác, như anh nói “tôi không thể sống mà một ngày không làm nhạc được”?
Tôi bây giờ đã 54 tuổi, đến 64 tuổi có lẽ nghỉ là được rồi, còn viết gì nữa. Tôi nghĩ, sau đó mình còn dành thời giờ để đi chơi, dành cho gia đình nhiều hơn. Vất vả nhiều rồi. 10 năm nữa thôi!
- Âm nhạc với anh là vất vả ư?
Âm nhạc là nghề nghiệp. Nghề nào cũng có những khó khăn, nhất là âm nhạc, phải vắt óc ra để sáng tạo. Làm lâu quá cũng mệt. Tôi nghĩ, 10 năm là mình nói hơi lạc quan, chứ có thể còn dừng sớm hơn. Tôi thấy vậy đủ rồi.
- Trên thị trường nhạc Việt, hiện có nhiều nhạc sĩ trẻ rất say nghề, thậm chí dường như làm lu mờ cả tên tuổi của không ít bậc đàn anh trong nghề. Theo anh, thời của mình đã qua chưa?
Nói hết thời thì không. Tôi vẫn đang làm rất nhiều dự án âm nhạc. Tôi đang làm nhạc phim Trói buộc yêu thương cho VTV, phải mất 7 tháng theo dự án. Tôi vừa làm cho Tiêu Châu Như Quỳnh đĩa Acoustika, cũng đang chuẩn bị cho ca sĩ Trini một sản phẩm thử nghiệm về rock.
Thế hệ chúng tôi đã nối gót đàn anh, làm hết sức mình, để thêm vào nhiều màu sắc cho nền nhạc Việt, thì đến lượt thế hệ trẻ hơn hoàn toàn có thể làm mới lạ, làm nên những sắc thái rất khác cho nền nhạc chung. Việc kế thừa hay thay thế này là tất yếu và đáng mừng. Sợ nhất là mình già rồi mà nhìn lại không có ai kế thừa. Các bạn trẻ hãy làm tốt trong thế hệ của các bạn ấy. Như vậy còn đáng vui nữa.
- Gần đây, có một nhạc sĩ gây những phản ứng trái chiều khi cho rằng nhạc Việt đang đi xuống, khi một nền âm nhạc cứ mãi dựa vào cái cũ để chiều chuộng tai nghe khán giả và để kiếm tiền. Anh nghĩ sao về ý kiến này và thị trường âm nhạc hiện nay?
Nền âm nhạc hiện nay hơi bị phân mảnh. Bên cạnh dòng chảy tôi cho không có gì thay thế được như các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, hay các ca khúc bolero… thì hiện nay âm nhạc cứ rap một chút, dance một chút, R&B một chút… Khá manh mún, nát nát sao đó. Tuy vậy, trong sự phức tạp của âm nhạc vẫn có thể nhìn ra được những tác phẩm thật sự ý nghĩa. Những sáng tác độc lập của Lê Cát Trọng Lý, một vài bài rap của Đen Vâu… nghe rất được. Có một số bạn trẻ, về mặt giai điệu âm nhạc có vẻ thức thời, theo kịp với thế giới, nhưng phần lời, tôi nói thật, còn kém. Chắc các bạn sẽ cần học thêm để viết lời sao cho đẹp hơn. Tôi không chê bai gì hết, chỉ nói thật lòng vậy thôi!
- Anh nghĩ gì về sự nổi tiếng rất nhanh của các ca sĩ dạng hotgirl, hotboy trẻ không đến từ năng lực thực sự?
Nhạc thời trang mà, có gì đâu mà đánh giá. Cứ để cho họ có chỗ đứng. Mà chỗ đứng đó là nhạc thời trang chứ không phải chỗ đứng của âm nhạc đích thực. Cứ để họ diễn cho khán giả xem vui, giải trí, một chốc một lát thôi cũng hay mà. Mình vẫn cần yếu tố giải trí. Có lẽ không nên khắt khe, vì âm nhạc trước tiên phải làm cho mình vui vẻ.
- Điều anh hạnh phúc nhất sau 30 năm theo con đường âm nhạc là gì?
Tôi có nói với mẹ, bà 80 tuổi rồi, rằng điều đáng mừng nhất là con đã sống được với nghề viết nhạc trong suốt cuộc đời, lo được cho gia đình. Mẹ tôi từng không tin một người nhạc sĩ có thể nuôi được gia đình, bởi nghề này vô cùng bấp bênh. Nhưng tôi đã sống và làm việc một cách đàng hoàng, nghiêm túc đến tận bây giờ.
30 năm tình ca Quốc Bảo thực hiện dưới định dạng đĩa than và CD, gồm 9 bài được thể hiện qua 4 giọng ca: Trần Thu Hà, Nguyên Hà, Bằng Kiều và Lê Hiếu. Ngoài ra, sẽ có đêm nhạc 30 năm tình ca Quốc Bảo tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM) vào 20-3-2021. Đêm nhạc được thể hiện thành 3 phần, tượng trưng 3 giai đoạn âm nhạc, được trình diễn bởi 7 ca sĩ là: Trần Thu Hà, Nguyên Hà, Bằng Kiều, Lê Hiếu, Trini, Tiêu Châu Như Quỳnh, Hoàng Yến Idol. Có 21 ca khúc được biểu diễn, trải dài từ ca khúc đầu tay của Quốc Bảo đến nay như: Tàn phai, Em về tinh khôi, Còn ta với nồng nàn, Một ngày, Dạ khúc, Giấc mơ tuyết trắng, Tim anh trôi về em, Tình ca, Bình yên, Địa đàng, Đền nhau… |