Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và cuộc “hôn phối” thơ - nhạc

10 giờ 45 ngày 29-6, tác giả của các bài hát nổi tiếng: Đoàn Giải phóng quân, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Thuyền và biển, Anh ở đầu sông em cuối sông… - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - đã đi về cõi vĩnh hằng. Những tác phẩm của ông với giai điệu thắm tình nhân ái, đậm đà tình yêu thương sẽ sống mãi trong lòng các thế hệ người yêu nhạc.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và cuộc “hôn phối” thơ - nhạc

10 giờ 45 ngày 29-6, tác giả của các bài hát nổi tiếng: Đoàn Giải phóng quân, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Thuyền và biển, Anh ở đầu sông em cuối sông… - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - đã đi về cõi vĩnh hằng. Những tác phẩm của ông với giai điệu thắm tình nhân ái, đậm đà tình yêu thương sẽ sống mãi trong lòng các thế hệ người yêu nhạc.

Đằm thắm, nhân văn

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Trong hàng trăm sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, có lẽ thấm vào lòng người sâu đậm và lâu dài nhất vẫn là những ca khúc trữ tình phổ thơ, vừa đằm thắm vừa đượm tính nhân văn.

Trước năm 1945, khi đang học phổ thông, cậu bé Phan Huỳnh Điểu đã rất thích thơ, bên mình luôn có một quyển sổ chép thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính… Khi ấy, cậu đã ý thức rằng nếu được âm nhạc chắp cánh, thơ sẽ thêm bay cao bay xa. Vì chưa biết sáng tác, cậu không thể phổ nhạc được những bài thơ hay mình yêu thích, nhưng vẫn luôn trăn trở về sự “hôn phối” thơ - nhạc

Ca khúc Bóng cây Kơnia là một sáng tác phổ thơ thành công khá sớm của Phan Huỳnh Điểu. Năm 1959, Nhà xuất bản Văn học tại Hà Nội ấn hành tập thơ Tiếng hát miền Nam, trong đó có bài thơ Bóng cây Kơnia thu hút sự chú ý của ông. Cuối bài thơ ghi: Của dân tộc Hrê, Ngọc Anh phỏng dịch. Đọc bài thơ, Phan Huỳnh Điểu rất thích và đem phổ nhạc, thử hát lên, không có nét gì Tây Nguyên. Sau đó, ông lại nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam bài của một số nhạc sĩ phổ nhạc. Ông bỏ ý định phổ nhạc bài thơ đó. Từ năm 1964 đến 1970, Phan Huỳnh Điểu đi B, công tác ở chiến trường Tây Nguyên và miền Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sống với bà con Tây Nguyên, ông thấm dần tiếng đàn, tiếng hát của bà con dân tộc, no đói, buồn vui có nhau. Sau đó ông trở ra Hà Nội chữa bệnh, đọc lại bài thơ Bóng cây Kơnia, cảm xúc chợt dâng trào, dòng nhạc như tuôn chảy. Và ca khúc Bóng cây Kơnia hoàn thành, đó là vào tháng 8-1971. Qua giọng hát của cô ca sĩ trẻ người Bana Măng Thị Hội, bài hát này vang mãi vượt thời gian.

Trong tập thơ Hoa trắng của nhà thơ Thúy Bắc, có một bài thơ khá hay, đó là bài Sợi nhớ sợi thương. Tên thật của chị là Nguyễn Thị Thúy Bắc, ngoài ra còn có bút danh khác là Thủy Dương, Hồng Chung. Chị viết bài thơ Sợi nhớ sợi thương năm 1973 trong dịp đi thực tế ở chiến trường Trị Thiên thời chống Mỹ. Chồng chị đang công tác ở chiến trường Lào, bên Tây Trường Sơn, còn chị đang ở bên Đông Trường Sơn. Tình cảm vợ chồng cách trở dâng trào trong lòng, chị viết nhanh, câu thơ gồm từng đôi 3 chữ, âm điệu dồn dập như tiếng lòng thổn thức. Phan Huỳnh Điểu đồng cảm với nhà thơ Thúy Bắc, phổ nhạc bài thơ thành ca khúc Sợi nhớ sợi thương.

Mối duyên với nhà thơ Xuân Quỳnh

Khi đọc một tờ báo Văn Nghệ số xuân, Phan Huỳnh Điểu tình cờ gặp bài thơ Thơ tình cuối mùa thu của nhà thơ Xuân Quỳnh. Đây là một bài thơ giàu tâm sự, giàu nữ tính, đầy ắp nỗi niềm yêu thương của Xuân Quỳnh. Ông phổ nhạc bài thơ này theo âm hưởng dân ca miền Bắc. Giai điệu bài hát nhẹ nhàng, khoan thai đẹp như cảnh thu vàng, trong đó có bóng dáng hai người yêu đang thong thả nhẹ bước trên thảm lá rụng. Nét nhạc nhè nhẹ trôi đi như muốn nói rằng thời gian cứ qua dần theo từng mùa trong năm. Tất cả cứ từ từ đi vào quá khứ, nhưng “chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại”. Đó cũng là câu thơ trong bài này mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tâm đắc và yêu thích nhất.

Dịp khác, một người bạn đến chơi nhà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và hát cho anh nghe một ca khúc của ai đó phổ thơ Xuân Quỳnh. Anh buột miệng: “Bài thơ hay quá!” và vội vàng chép lại bài ấy. Sau đó, ca khúc Thuyền và biển, nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Xuân Quỳnh ra đời năm 1981 và trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Xuân Quỳnh viết bài thơ này - theo nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, bạn của Xuân Quỳnh kể lại - vào những năm 1960 khi đang yêu đắm đuối và đau khổ trong cuộc tình tuyệt vọng. Sau gần hai thập niên, bài thơ tình tuyệt vời của chị được chắp cánh bay cao, bay xa qua bút pháp âm nhạc tài hoa của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Trong Thuyền và biển, thơ và nhạc quyện vào nhau nhuần nhuyễn tạo nên giai điệu thiết tha, da diết.

Trước khi Xuân Quỳnh mất ít lâu, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có dịp gặp nhà thơ và chị cho biết rất xúc động khi nghe ca khúc Thuyền và biển. Chị chỉ mong muốn xin giữ nguyên văn câu thơ “Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố!”, mong các ca sĩ, nhất là nam ca sĩ, đừng đổi lại là “Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố!”. Chị không muốn xóa đi kỷ niệm buồn đau của chính mình trong cuộc tình đã qua...

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục