Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương: Với TPHCM, tôi khắc ghi sâu nặng ân tình

Sau gần 1 năm ấp ủ thực hiện dự án âm nhạc sử Việt, tập trung tìm hiểu, nghiên cứu các tư liệu lịch sử Việt Nam, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp, dấu ấn đặc biệt của các danh nhân, anh hùng dân tộc, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương (ảnh) đã hoàn tất sáng tác 50 ca khúc lịch sử Việt Nam, in thành tập sách Hồng Bàng đất Mẹ Văn Lang (NXB Thanh Niên), với mong mỏi giới thiệu rộng rãi hơn đến bạn đọc, khán giả yêu nhạc về những vị anh hùng đất Việt.

* PHÓNG VIÊN: Động lực nào thôi thúc anh thực hiện dự án sách nhạc Hồng Bàng đất Mẹ Văn Lang?

- NHẠC SĨ PHẠM ĐĂNG KHƯƠNG: Tôi hay đi đó đi đây và thấy được nhiều điều rất hay. Ví dụ, ở quận 1, quận 3 có đường Trương Định, ở quận Tân Bình có đường Trương Công Định. Thế nhưng, nhiều người không biết đây thực ra là một người. Hay lúc đi trên đường Đinh Tiên Hoàng quận 1, tôi lại nhớ ở Bình Thạnh cũng có con đường tên gọi Đinh Bộ Lĩnh, cũng là một nhân vật lịch sử. Rồi đường Nguyễn Huệ ở quận 1 và Quang Trung ở quận Gò Vấp, đường Ngô Thời Nhiệm với đường Ngô Thì Nhậm…

CN3 tro chuyen.jpg

Tôi bỗng nảy ra một ý tưởng sao mình không viết những ca khúc về những nhân vật này, kể bằng âm nhạc câu chuyện cuộc đời, sự nghiệp của những vị anh hùng dân tộc từ xưa đến nay để mọi người biết đến nhiều hơn. Thế là tôi bắt đầu tìm tư liệu, nghiên cứu các thông tin về các danh nhân, các dấu ấn của họ. Càng tìm tôi lại càng thấy nhiều điều hay, càng say sưa viết. Ban đầu dự định chỉ viết 10 bài, thế rồi bị cuốn theo, tôi đã viết một mạch 50 ca khúc. Tập sách nhạc này cũng là nỗ lực của cá nhân tôi để hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025).

Tôi có một niềm mong mỏi lớn là các sáng tác đến được với nhiều khán giả yêu nhạc, đặc biệt là các em học sinh. Hiểu, nhớ về các anh hùng cũng là hiểu về lịch sử, nhớ về nguồn cội của dân tộc mình.

* Với anh, điểm đặc biệt của cuốn sách nhạc này là gì?

- Cuốn sách nhạc tôi viết có hơi hướng sách sử, ở trước mỗi bài hát là phần khái quát ngắn gọn các câu chuyện, sự tích về nhân vật. Còn về phần giai điệu, hầu hết đều được sáng tác với những giai điệu âm nhạc lúc hào hùng, hừng hực hào khí của các sự kiện lịch sử, lúc vui tươi, khi thì nhẹ nhàng như câu chuyện người mẹ kể cho con nghe về những người anh hùng của đất nước, luôn vì cuộc sống bình an và hạnh phúc của nhân dân, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đặc biệt, trong sách nhạc, tôi cũng áp dụng công nghệ để ca khúc dễ tiếp cận khán giả hơn. Ở mỗi tác phẩm đều có một mã QR. Quét mã này, khán giả sẽ được truy cập chính bài hát đó được biểu diễn trên kênh YouTube: Phạm Đăng Khương Official. Có 2 hình thức thể hiện, một là ca sĩ hát và hai là bản nhạc karaoke để khán giả nếu yêu thích có thể tập hát theo.

Tôi cũng có may mắn được nhiều bạn bè trong giới âm nhạc ủng hộ, đã có đến gần 70 ca sĩ tham gia thực hiện phần thu âm các ca khúc này, như: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Vân Khánh, NSƯT Phạm Thế Vĩ, các ca sĩ Ngọc Ánh, Quốc Đại, Thanh Sử, Hạnh Nguyên, Thùy Dương, Thùy Trang, Minh Trang Ly Ly, Đông Quân, Đông Đào, Sao Mai, các nhóm ca Mắt Ngọc, Mây Trắng, Nhật Nguyệt, Phù Sa, 135, Lạc Việt...

* Anh có kế hoạch ra mắt sách và các hoạt động nghệ thuật nào trong thời gian tới?

- Hồng Bàng đất Mẹ Văn Lang dự kiến sẽ ra mắt chính thức vào đầu tháng 11-2024. Nhưng đây không phải là điểm dừng, khát vọng của tôi là sẽ tiếp tục sáng tác thêm những bài hát về các nhân vật lịch sử tiêu biểu của nước Việt. Sách nhạc tạm dừng ở giai đoạn đầu kháng Pháp (1872), tôi sẽ tiếp tục sáng tác các nhân vật ở các thời kỳ tiếp theo. Ngoài ra, tôi cũng đang ấp ủ thực hiện dự án sáng tác 50 bài hát thiếu nhi song ngữ Việt - Anh, dự kiến tôi sẽ thử nghiệm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong các sáng tác này.

* Là một nhạc sĩ khá đa năng, anh suy nghĩ gì về vai trò của người sáng tác âm nhạc trong giai đoạn mới?

- Tôi là người thích học hỏi, khám phá, nghiên cứu đủ thứ rồi mày mò làm. Tôi cảm nhận được sự hiểu biết đa dạng của mình về nhiều lĩnh vực khác như nhiếp ảnh, mỹ thuật, đặc biệt là các công nghệ mới, kỹ thuật quay phim, phần mềm chép nhạc, thu âm... đã giúp hỗ trợ rất tốt cho tôi trong sáng tác nhạc. Có thể thấy, việc chủ động nắm bắt, sử dụng công nghệ hiện đại để phục vụ trong sáng tác sẽ đạt hiệu quả tốt hơn cho công việc của mình. Như việc thử dùng AI để sáng tác, dù có nhiều ý kiến không đồng tình nhưng theo tôi là người nghệ sĩ, mình cũng nên thử, tốt xấu thế nào chính mình sẽ hiểu rõ nhất.

* TPHCM có dấu ấn đặc biệt gì với anh để anh hay tâm sự “TPHCM là quê hương thứ hai của tôi!”?

- Là người con của quê hương Quảng Ngãi, nhưng tôi sống ở TPHCM suốt mấy chục năm qua. Với TPHCM, tôi khắc ghi sâu nặng bao ân tình, vì đây là quê hương thứ hai của tôi. Năm 1975, tôi vừa đủ tuổi quân dịch, nếu không có ngày 30-4 thì có lẽ tôi đã phải đi lính, chẳng biết có ngày về không. Hòa bình, tôi được đi học đại học, rồi cuộc sống mới trao cho tôi nhiều cơ hội mới. Tôi hoạt động tích cực trong công tác thanh niên, xây dựng nhiều công trình, sân chơi giải trí giúp nâng cao kỹ năng sống, thị hiếu thẩm mỹ, văn hóa tinh thần cho thanh thiếu niên thành phố tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM. Và cho đến thời điểm này, tôi luôn tự nhủ, TPHCM vẫn luôn là nơi tôi muốn sống để được đóng góp, cống hiến nhiều hơn nữa cho đời sống văn hóa cộng đồng.

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương nổi tiếng trong giới nhạc sĩ với các sáng tác: Như cơn gió vô tình, Khung trời mơ ước, Con đường đến trường, Ngọn nến, Mãi mãi tuổi 20, Thành phố 300 năm, Thanh niên vì ngày mai... Anh có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào văn nghệ quần chúng ở các lĩnh vực sáng tác, dàn dựng, biên tập chương trình, tổ chức nhiều đêm nhạc của các nhạc sĩ. Đến nay, anh đã phát hành hơn 10 cuốn sách, từ tập nhạc cho thiếu nhi, nhạc trữ tình, sách ảnh nghệ thuật đến tuyển tập tản văn, bút ký…

Tin cùng chuyên mục