Hành trình âm nhạc đáng nhớ
- Phóng viên: Tháng 11 tới đây, dự kiến anh tổ chức họp báo dự án kỷ niệm 20 năm sáng tác. Sẽ có điều gì đặc biệt?
Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN CHUNG: Dự án gồm nhiều hoạt động, đã bắt đầu từ tháng 4 năm nay, khi tôi phát hành cuốn sách nhạc kỷ niệm 20 năm. Cuốn sách có 50 bài hát được khán giả yêu thích, ghi lại những điều đáng nhớ của từng bài hát, kỷ niệm với các ca sĩ từng hợp tác. Tháng 11 tới, tôi sẽ giới thiệu thêm băng cassette, đĩa CD và đĩa than những bài hát đó. Tôi chọn hình thức phát hành này vì muốn lưu giữ ký ức của những bạn 8X ngày xưa.
- Nhìn lại hành trình 20 năm, anh thấy mình được gì và mất gì?
Mất mát chắc chắn là có, nhưng không đáng gì vì với tôi, tất cả những điều trải qua đều trở thành kinh nghiệm quý giá cho bản thân. Tôi có niềm tự hào, hạnh phúc riêng mình khi 20 năm qua được nhiều khán giả yêu mến, trân trọng các ca khúc về tình yêu, gia đình, thiếu nhi. Trước đây, tôi chỉ đơn giản viết nhạc theo cảm xúc, nhưng càng ngày càng nhận ra nghề nhạc sĩ có vai trò lớn hơn. Người viết nhạc có trách nhiệm tạo ra những ca khúc có giá trị, ý nghĩa, tôn vinh truyền thống đạo đức tốt đẹp, truyền năng lượng tích cực cho cộng đồng.
- Anh là nhạc sĩ “chuyên tạo hit”, nếu giờ có người nói rằng các ca khúc gần đây của anh không còn nhanh nổi, tạo hit như trước, có bao giờ anh nghĩ mình cần thay đổi?
Đây là chuyện bình thường. Ở mỗi thời, quan niệm về bài hit, gu nghe nhạc khác nhau và đối tượng khán giả tác động để ca khúc trở thành hit cũng đã khác. Tuy nhiên, vấn đề tạo hit với tôi bây giờ không còn quan trọng. Ngày xưa đúng là tôi tạo ra nhiều bài hit nhạc thị trường, nhưng chính bản thân cũng cảm nhận các bài đó chưa hẳn sống lâu. Mục tiêu của tôi bây giờ không phải sáng tác để tạo hit mà là tạo ra những bài hát có giá trị sống lâu dài trong lòng khán giả. Đó là lý do tôi dành suốt 8 năm qua để sáng tác nhạc thiếu nhi. Tôi muốn có những bài hát về gia đình, thiếu nhi sống thật lâu trong lòng khán giả, để 10 năm, 20 năm sau hay nhiều hơn vẫn còn được nhớ và hát.
Nhiều trăn trở…
- Tính đến nay, anh sáng tác hơn 300 ca khúc về tình yêu, 20 bài hát gia đình, 50 bài nhạc phim, quảng cáo… và tới 300 bài hát thiếu nhi. Vì sao anh nặng lòng với nhạc thiếu nhi như vậy?
Tôi nặng lòng vì tôi đã có con và thấu hiểu. Tôi muốn chính tay mình xây cho con khu vườn âm nhạc thiếu nhi. Từ ước mơ cá nhân, tôi cũng muốn khai phá khu vườn âm nhạc này. Tôi nhận thấy có ít nhạc sĩ quan tâm mảng đề tài này, và đó là thiệt thòi cho thiếu nhi Việt Nam. Riêng tôi, tôi thấy mình cần sáng tác, dù có tốn 8 năm hay nhiều hơn nữa. Đó cũng là một sự thử thách tôi dành cho bản thân.
Viết nhạc thiếu nhi không mang lại tiền bạc hay danh tiếng cho nhạc sĩ, nên các nhạc sĩ trẻ ưu tiên sáng tác ca khúc thị trường mang lại dấu ấn, danh tiếng nhiều hơn. Nhà quản lý văn hóa, đơn vị nghệ thuật nên có chiến lược động viên các nhạc sĩ sáng tác. Sáng tác không phải chỉ để đó, phải có sân khấu biểu diễn, phải sắp xếp khung giờ vàng nhạc thiếu nhi, như vậy mới thúc đẩy nhạc sĩ sáng tạo. Chứ mạnh ai nấy viết, tự phát hành, tự thu âm, tự in sách, quay MV thì… khó lắm!
- Làng nhạc trẻ vừa qua ồn ào xuất hiện một số MV có ca từ thô thiển, dung tục, không ít nghệ sĩ trẻ tự vấy bẩn mình. Đặc biệt, có 2 bản “rap rác” phải trả giá đắt bởi cơ quan quản lý văn hóa. Anh lo ngại gì về hệ lụy từ các sản phẩm này?
Tôi từng chia sẻ: “Âm nhạc Việt bắt đầu xuất hiện những bài hát được ra đời chỉ để chửi nhau, đánh mất đi vẻ đẹp nghệ thuật và ý nghĩa thơ mộng mà một bài hát nên có. Càng ngày càng giống như cái chợ bán đồ ăn…”. Tôi bức xúc bởi vì tôi yêu âm nhạc, âm nhạc là cả thánh đường với tôi. Âm nhạc làm người ta vui hơn, mang năng lượng tích cực và sống đẹp hơn. Nếu chửi nhau, đừng mượn âm nhạc. Âm nhạc có nhiều góc nhìn, tích cực - tiêu cực, bi quan - lạc quan…, nhưng không được thô tục, thô bỉ, khiêu dâm... Và nếu có ai muốn dùng âm nhạc để thóa mạ, công kích nhau thì đừng tự xưng nghệ sĩ, vì nghệ sĩ là người làm ra tác phẩm nghệ thuật có giá trị, ý nghĩa nhân văn.
Những sản phẩm này nguy hại, nhất là đối với thiếu nhi, thanh thiếu niên đang lớn vì dễ tạo ra luồng suy nghĩ lệch lạc. Nếu các sản phẩm tương tự lưu hành, sẽ tạo ra một thế hệ trẻ người nghe nhạc thẩm mỹ thấp. Bản thân người nghe nhạc phải có sự nghiêm khắc với các bài hát rác - nếu nó xuất hiện.
- Hoạt động sáng tác của nghệ sĩ trẻ hiện nay có phải quá dễ dãi?
Theo tôi, việc sáng tác hiện nay khá tự do. Ai có ý thức về sự văn minh, tính giáo dục trong sáng tác thì họ viết nhạc tốt, ai không có ý thức thì lách luật. Sáng tác của một số nghệ sĩ trẻ hiện nay quá dễ dãi là vì thiếu sự kiểm duyệt. Ngày xưa, khi sáng tác một bài hát, muốn được phát hành phải qua khâu kiểm duyệt của đơn vị quản lý nghệ thuật, còn bây giờ các bạn tự up lên YouTube, mạng xã hội rất đơn giản mà thiếu sự kiểm duyệt, quản lý. Các trường hợp “rác rap” bị xử vừa rồi là do áp lực từ khán giả mới xử lý mạnh, và đó cũng là tín hiệu cho thấy đã bắt đầu có sự kiểm duyệt mạnh tay.
- Theo anh, để xử lý “nhạc rác”, công tác hậu kiểm của các kênh đăng tải và cơ quan chức năng, quản lý nghệ thuật cần như thế nào?
Tôi nghĩ, nếu có sự kiểm duyệt gắt gao hơn trên các nền tảng mạng xã hội thì tốt hơn. Có một số nền tảng giới trẻ tham gia nhiều nhưng đang thiếu kiểm duyệt. Các cơ quan chức năng, quản lý nghệ thuật phải có những biện pháp cứng rắn hơn. Như vừa rồi, khi ban hành Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, chúng ta cũng nên ban hành thêm Bộ quy tắc về phát hành các sản phẩm nghệ thuật cho nghệ sĩ. Phải cứng rắn để những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật có quan điểm làm nghề đúng đắn. Cần có biện pháp chế tài, cấm sóng rõ ràng chứ không thể phó mặc mọi hành vi sản xuất, biểu diễn cho sự tự ý thức của nghệ sĩ hay trông đợi sự tẩy chay của công chúng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung