Dù không được đào tạo âm nhạc bài bản ngay từ đầu (tốt nghiệp ngành sư phạm), nhưng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đến với âm nhạc bằng niềm say mê từ thời tuổi thơ. Ông mê mẩn với những điệu ví giặm, những khúc hát đò đưa của quê hương. Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936 tại Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An. Năm 1955, khi học hết cấp 3, Nguyễn Tài Tuệ ra Hà Nội. Cha ông muốn con trai đi theo con đường văn chương để làm thầy giáo. Học được một thời gian, Nguyễn Tài Tuệ nhận thấy âm nhạc là cái nghiệp của mình chứ không phải văn chương nên ông đi theo tiếng gọi của niềm đam mê.
Đầu năm 1959, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ công tác ở Ban Nghiên cứu âm nhạc dân gian - tiền thân của Viện Nghiên cứu âm nhạc dân gian hiện nay. Năm 1963, ông công tác ở Sở Văn hóa Quảng Ninh. Bài Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó và Xa khơi là những ca khúc giá trị thời đó. Trong đó, Xa khơi được đánh giá là một ca khúc rất chuẩn mực về âm nhạc. Năm 1966 đến năm 1972, ông được cử đi học sáng tác âm nhạc bậc đại học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên. Trở về nước, ông tiếp tục công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam với tư cách là nhạc sĩ sáng tác và chỉ đạo nghệ thuật.
Ông viết ca khúc đều đặn với các tác phẩm gần gũi âm hưởng dân gian. Ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc, nhất là cho nhạc cụ dân tộc. Không dừng lại ở đó, ông còn viết phần âm nhạc cho múa và một số ca cảnh, tổ khúc dân ca. Các ca khúc chính như: Lời ca gửi noọng, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Xuân về trên bản Nhắng, Về mỏ, Xôn xao bến nước... Về khí nhạc, ông có giao hưởng thơ Những cánh chim cao nguyên, Kỷ niệm quê hương (cello và piano). Nhạc sĩ cũng xuất bản Tuyển chọn ca khúc Nguyễn Tài Tuệ và album riêng tác giả. Sinh thời, ông từng chia sẻ: “Âm nhạc xâm chiếm tâm hồn tôi, đè nặng lên cuộc đời tôi. Âm nhạc là món nợ của tôi với quê hương, đất nước”. Với những cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I (2001) và nhiều huân chương, huy chương, giải thưởng âm nhạc cao quý.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết khoảng 18 ca khúc, không nhiều nhưng ca khúc nào cũng hay và đã để lại dấu ấn trong lòng quần chúng. Dấu ấn đậm nhất của ông là việc khai thác, phát triển các làn điệu, hồn cốt sâu lắng, trữ tình, bay bổng của ví giặm và hát đối, làm nên những tuyệt tác Xa khơi, Mơ quê… Sự kết hợp sáng tạo tài tình giữa dân gian và hiện đại, tầm vóc và nghệ thuật âm nhạc trữ tình trong nhiều tác phẩm Nguyễn Tài Tuệ được khẳng định là một trong những hình tượng đẹp nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam.
Ca sĩ Đinh Thành Lê viết lời tiễn biệt: “Biển lặng sóng thuyền em dong khơi, khoan giọng hò thương anh cách vời... Những giai điệu đẹp đẽ và ấm áp của ca khúc Xa khơi như in đậm mãi vào tâm trí của cháu. Cháu từng được bác chỉ dạy rất nhiều trong ca khúc kinh điển của âm nhạc Việt Nam. Một khuôn mặt hồn hậu, trái tim yêu nhạc và cả một đời cống hiến cho âm nhạc”.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã về với thế giới của những người hiền, song những tác phẩm ông để lại sẽ mãi ngân lên, sẽ luôn là một mảnh ghép đẹp của âm nhạc Việt Nam.