
Hòa chung với không khí cả nước hướng về biển Đông, nhạc sĩ Nguyễn Cường (ảnh) sau chuyến đi thực tế với hải quân tại Trường Sa đã liên tiếp cho ra mắt 3 ca khúc mới dạt dào cảm xúc về biển đảo, về những người lính biển. Với ông, tình yêu với biển đảo, Tổ quốc luôn là cảm xúc đặc biệt.

* Không chỉ biết đến với những ca khúc về Tây Nguyên như Đôi mắt Pleiku, Ơi Mdrak, Ly cà phê Ban Mê… mà Nguyễn Cường cũng là nhạc sĩ có duyên với biển?
* Quả đúng vậy, Tây Nguyên và biển luôn là hai chủ đề sáng tác song hành của tôi. Nếu khán giả yêu mến tôi với những bài ca đậm chất cao nguyên thì những người trong nghề lại nhớ tôi nhiều hơn với những ca khúc về biển. Tác phẩm đầu tiên tôi sáng tác về biển đảo là ca khúc Đường Hồ Chí Minh trên biển vào những năm 1983, 1984 với giai điệu hào hùng, mạnh mẽ. Những con đường bé nhỏ chạy đua với mặt trời, lướt theo hình bán đảo, gợi nên những đường mòn. Tháng năm còn giữ lại cả lớp sóng miệt mài, những binh đoàn thép lửa chạy đua với thời gian, ra tiền tuyến... Cho đến bây giờ, nó gần như đã trở thành ca khúc truyền thống của bộ đội hải quân. Sau đó, tôi có viết những ca khúc khác như Mái đình làng biển, Hò biển, Lính biển hát về biển…
* Cơ duyên nào tiếp tục đưa ông đến với chùm 3 ca khúc mới nhất về biển đảo Trống quân lính đảo, Sóng lội Trường Sa và Chúng tôi là lính biển?
* Tháng 5 năm ngoái, tôi cùng với một số nhạc sĩ khác đã có chuyến đi thực tế kéo dài gần nửa tháng qua phần lớn các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa. Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng đó là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt khi chúng tôi được chia sẻ cuộc sống với những người lính biển nơi đầu sóng, ngọn gió, nơi phên dậu của Tổ quốc. Sau chuyến đi tuyệt vời ấy, 3 ca khúc về biển đã ra đời.
Tôi luôn tâm niệm rằng có đi nhiều, có xâm nhập vào đời sống mới tìm kiếm được những xúc cảm để sáng tạo. Tôi đổi cái say sóng để nhận được cái vô cùng của biển, đó là gió, là nắng, là đại dương mênh mông, là cảm nhận tâm hồn của những người lính biển. Càng đi nhiều, tôi càng phát hiện ra những điều mới mẻ mà chưa ai biết đến như bất chợt bắt gặp được hình ảnh vầng dương non nhú ra từ sóng. Tất cả những xúc cảm và tình yêu dành cho con người biển đảo tôi đã gửi gắm trong những sáng tác này.
* Nhạc sĩ có thể chia sẻ rõ hơn về chùm ca khúc mới này?
* Nếu Sóng dội Trường Sa được viết cho dàn hợp xướng nam nữ theo hình thức Acapella không nhạc đệm. Ca khúc có nhiều đoạn cao trào nhưng vẫn khiến cho khán giả cảm nhận được sự dịu dàng, bao dung của biển. Thì Trống quân lính đảo là bài hát vui, phát triển từ hình thức hát trống quân. Qua hình ảnh các chiến sĩ hải quân hát giao duyên với những người con gái, tôi muốn thể hiện nét đẹp của những người lính trẻ, tình yêu quê hương, đất nước đậm sâu của họ.
Chúng tôi là lính biển được viết cho tốp ca nam, nói về những người chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc, phải chịu nhiều gian khổ. Khoảnh khắc mặt trời nhô lên qua những ngọn sóng, in bóng những chiến sĩ như muốn khẳng định rằng: Những người lính hải quân vẫn đang ở đây, bằng tài trí, bằng sức lực bảo vệ biên cương vùng biển quốc gia. Xin Tổ quốc hãy yên lòng!
Tôi cũng đã ấp ủ viết một hợp xướng giao hưởng 5 chương về biển đảo nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thành. Viết một tác phẩm khí nhạc cần có nhiều thời gian để trau chuốt hơn một ca khúc. Hy vọng sẽ sớm hoàn thành nó trong tương lai. Tôi cũng đang ấp ủ rất nhiều dự định âm nhạc mới để được nói được nhiều hơn chí khí, tình yêu Tổ quốc.
* Ông có thể chia sẻ nhiều hơn về những dự án ấy?
* Sắp tới đây, tôi sẽ cho ra mắt một sáng tác mới mang tên Tổ quốc ta cờ bay. Có thể nói, đây là sáng tác mà tôi tâm đắc nhất, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Ca khúc được tôi sáng tác khi đến Lũng Cú (Hà Giang) cách đây ít lâu, bên cột cờ Tổ quốc trên đoạn đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Tôi như được lá cờ ôm trọn vào lòng, dấy lên sự tự hào là người con đất Việt. Phải đứng ở trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn) nhìn xuống mới thấy hết sự bao la của Tổ quốc, từ dãy Trường Sơn đến Hoàng Sa, Trường Sa, nhìn thẳng tới Cà Mau.
Từ đó, tôi có cảm hứng sáng tác ca khúc Tổ quốc ta cờ bay. Ca khúc dự kiến sẽ nằm trong một CD sắp ra mắt về những miền quê của đất nước, bao gồm những sáng tác mới và cả những ca khúc nổi tiếng từ trước. Ca sĩ Tùng Dương sẽ là người thể hiện ca khúc chủ đề Tổ quốc ta cờ bay.
* Trong thời gian vừa qua, có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ cho ra mắt những MV, bài hát mới về biển đảo, thể hiện tình yêu đất nước, trách nhiệm của công dân. Là một người luôn đau đáu với lớp trẻ, nhạc sĩ nghĩ gì về hiện tượng này?
* Tôi nghĩ đó là tín hiệu rất tốt. Tới thời điểm này tôi chưa nhận thấy ca khúc nào thật sự đọng lại được như Nơi đảo xa của Thế Song, bởi những tác phẩm như vậy cần phải hội tụ cảm xúc, có nội lực. Song con số hàng trăm, hàng nghìn ca khúc hướng tới biển đảo được ghi nhận trong thời gian ngắn chứng tỏ tuổi trẻ không chỉ hờ hững, hời hợt với tình cảm yêu đương nhăng nhít như nhiều người đã từng lo ngại. Tôi nhớ cách đây vài năm, trong một buổi tọa đàm về xu hướng phát triển âm nhạc, nhiều nhạc sĩ bày tỏ lo lắng rằng âm nhạc thị trường quá. Tôi thì không cho là như vậy. Người Việt Nam mình rất đặc biệt, đừng bao giờ động tới hai từ độc lập với nhân dân ta.
MAI AN (thực hiện)