Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng: Viết nhạc là cách tôi đưa lịch sử đến với người trẻ

“Khi nghĩ đến những liệt sĩ hy sinh cho Tổ quốc nhưng đến nay vẫn chưa tìm được di cốt, cơ thể tôi lại nóng ran lên. Tôi muốn viết những bài ca về họ. Dù là 100 hay 1.000 bài ca cũng không thể nào kể hết những hy sinh, mất mát vì hòa bình, hạnh phúc của dân tộc. Và, tôi mong được là một người kể chuyện lịch sử bằng âm nhạc”, nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng nói.

Chia sẻ cùng Báo SGGP, nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng bày tỏ khát khao lớn nhất là muốn viết về lịch sử, về những con người thầm lặng hy sinh, đóng góp cho Tổ quốc.

CN3 tro chuyen Nguyễn Bá Hùng 3.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng

PHÓNG VIÊN: Điều gì khiến một người trẻ như anh lại đau đáu về đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng này?

* Nhạc sĩ NGUYỄN BÁ HÙNG: Có thời gian dài tôi lạc lõng trong nội tâm khi không biết đam mê thực sự là gì. Tôi học nhiều chuyên ngành như sư phạm âm nhạc, quản lý âm nhạc, quản lý văn hóa, lý luận chính trị… Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng cảm thấy bản thân mình vẫn chưa là chính mình. Cho đến khi tập viết những bài hát về đề tài người lính, tôi bắt đầu cảm nhận được sâu sắc sự tập trung và say sưa của mình.

Điều khiến tôi luôn đau đáu là lòng biết ơn. Chúng ta đang được hít hơi thở hòa bình không mùi thuốc súng, tự do này đổi bằng máu xương, bình yên này đổi bằng cuộc đời của hơn 1 triệu liệt sĩ và hơn 4 triệu đồng bào Việt Nam. Vì vậy, là một người yêu nước, tôi thấy cá nhân mình phải có trách nhiệm viết về đề tài người lính. Đó thực sự là một công việc nghiêm túc và là một sứ mệnh thiêng liêng mà tôi vinh dự được thực hiện.

Tiếp cận những đề tài khó như về người lính, thương binh liệt sĩ, chiến sĩ công an, y bác sĩ… anh phải tìm chất liệu ra sao để khi sáng tác không sai lệch lịch sử, thực tế mà vẫn có được cảm xúc trọn vẹn của thế hệ đương thời?

* Với tôi, nguyên tắc để không sai lệch và hạn chế thiếu sót là chỉ tiếp cận nguồn thông tin chính thống, từ sách sử, báo chí, truyền hình. Trên phương diện đó, bản thân tôi cũng có sự sàng lọc những câu chuyện, góc nhìn phù hợp để làm chất liệu viết nên ca từ. Tôi nghĩ rằng, khi viết nhiều có thể tôi cũng sẽ sai, nhưng tôi vẫn phải viết, bởi nếu cứ sợ sai mà không làm thì tôi sẽ chẳng viết được bài hát nào.

Viết nhạc về những đề tài trên, ngoài yếu tố nghệ thuật còn phải đảm bảo được tính lịch sử, văn hóa và chính trị. Do đó, khi viết tôi phải hết sức cẩn trọng, có điều cảm xúc vẫn là quan trọng nhất. Khi đặt mục tiêu nội dung tư tưởng cả tác phẩm là thể hiện lòng biết ơn thì trong đầu tôi đã mặc nhiên rõ ràng đường lối, cách viết. Vì vậy, tôi viết một cách say sưa trong sự cẩn trọng, cảm xúc được bảo toàn vẹn nguyên.

Tôi nghe khá nhiều ca khúc viết về người lính của anh, đặc biệt ấn tượng, bất ngờ với tổ khúc Làng bên sông được anh viết trong 3 năm. Vì sao lại là 1 tổ khúc và anh gửi gắm tình cảm trong đó ra sao?

* Khi viết Làng bên sông tôi không nghĩ mình sẽ viết thành tổ khúc đâu. Ban đầu tôi chỉ định viết một bài hát tưởng nhớ, nhưng rồi không hiểu sao tôi lại viết tổ khúc, có lẽ tôi đã lạc chân trong miền ký ức. Tôi đã viết những điều đơn giản, chân thực nhất và nhận lại những giọt nước mắt từ ca sĩ và người nghe, điều đó làm tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã góp phần nhỏ trong hành trình kể chuyện lịch sử bằng âm nhạc.

Cuốn sách lịch sử mà chúng ta đã học trong chương trình phổ thông kể về những trận đánh, chiến dịch và một số cá nhân tiêu biểu. Còn bài hát của tôi viết về những con người bình thường đã tham gia và làm nên chiến thắng của những trận đánh đó.

Tôi viết khúc thứ nhất bài Làng bên sông rất nhanh, nhưng rồi sau đó đã phải dành 3 năm để đọc sách, xem tư liệu, nghe kể chuyện để viết tiếp phần còn lại. Mỗi nguồn tài liệu là những câu chuyện khác nhau tạo nên những cảm xúc chưa có tính liên kết, nhiệm vụ của tôi là phải liên kết lại thành một thể thống nhất nhưng phải biểu đạt bằng ca từ, giai điệu đơn giản nhất.

Khi bài hát hoàn thành, tôi nghe lại và cảm thấy như một lần nữa mình ngược về thời gian, mỗi câu hát vang lên trong đầu tôi đều có hình ảnh tái hiện chân thực như một bộ phim tài liệu.

Chọn sáng tác các đề tài khó như thế anh có sợ tên tuổi mình mãi không bật lên rầm rộ như các nhạc sĩ sáng tác nhạc trẻ, nhạc thị trường?

* Tôi học quản lý âm nhạc ở đại học và quản lý văn hóa ở cao học nên tôi hiểu cơ chế vận hành, cấu trúc của nền văn hóa nghệ thuật. Mỗi phong cách âm nhạc có một vai trò nhất định trong xã hội. Có những bài hát để giải trí, nghe cho vui. Có những bài hát nghe để tri ân, để tự nhìn lại mình.

Và cũng có những bài hát nghe để dậy lên tinh thần dân tộc. Về vai trò, tôi nghĩ các bài hát ngang bằng với nhau, tùy không gian, thời gian, bối cảnh mà một thể loại âm nhạc được ưu tiên sử dụng hơn những thể loại khác.

Các nhạc sĩ viết nhạc trẻ họ nổi tiếng trong giới trẻ, tôi cũng hâm mộ họ. Còn tôi, tôi cũng có tiếng trong môi trường của tôi. Khi vào thăm các doanh trại bộ đội, các lực lượng chiến đấu của Bộ Công an, chỉ cần nói đến tên tôi là các bạn trẻ biết nhiều, họ thuộc bài hát của tôi và lên hát cùng.

Tôi không so sánh mình với các nhạc sĩ khác bởi tôi biết mình đang làm gì và giá trị đóng góp ở đâu. Tôi cũng biết giá trị đóng góp của những nhạc sĩ viết nhạc trẻ và tôi tôn trọng họ. Tất cả chúng tôi đều đang góp phần làm cho âm nhạc nước nhà có thêm những chuyển biến tích cực và tốt đẹp.

Sắp tới, anh có dự định thực hiện một dự án âm nhạc nào không?

* Tôi vừa viết xong 1 ca khúc về lực lượng cảnh sát biển, 1 ca khúc về lực lượng không quân, 1 ca khúc về lực lượng tàu ngầm. Tôi đang ấp ủ 1 chương trình biểu diễn với dàn nhạc giao hưởng về các ca khúc của mình. Phần nội dung tôi đã chuẩn bị xong, một số vấn đề khác vẫn còn khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng. Được làm 1 đêm nhạc chỉn chu để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những người đã dành cuộc đời mình để xây dựng hòa bình với tôi là một niềm ao ước lớn.

Đến với sáng tác khá muộn nhưng nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng (sinh năm 1987, quê Hà Tĩnh) luôn nỗ lực tìm lối đi riêng. Hơn 5 năm qua, anh sáng tác hàng chục ca khúc được đông đảo khán giả, giới chuyên môn đánh giá cao, có thể kể đến như: Trong màu lá cây rừng, Cánh chim Từ Quy, Vinh quang thầm lặng, Những ngôi sao đỏ, Lời mẹ cho con, Mẹ là quê hương, Tôi có vài cuộc hẹn, Thương nhớ Sài Gòn, Tiếng chuông ngân trong gió, Chia nhau một chút ngọt bùi, Lời gửi Trường Sa; tổ khúc Làng bên sông…

Tin cùng chuyên mục