Đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới bằng mọi cách
* PHÓNG VIÊN: Anh có thể chia sẻ một chút về album mới nhất của mình?
* Nhạc sĩ NGÔ HỒNG QUANG: Album Nhìn lại đánh dấu sự kết hợp với thơ của nhà thơ Phan Lê Hà, sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống và đương đại. Tôi quyết định sử dụng nhạc cụ truyền thống, vận dụng hơi thở, ngôn ngữ âm nhạc đương đại và mix (pha trộn) với electronic music (nhạc điện tử). Album có 12 bài, với sự tham gia của một số nghệ sĩ ở miền Bắc như Hoàng Anh chơi sáo, Mai Lê chơi đàn tranh, Nguyễn Đức Minh đàn môi và Minh Chí chơi bộ gõ. Đặc biệt là có sự cộng tác của ca sĩ Hà Linh.
* Tôi gặp chị Hà lần đầu tiên ở Hawaii và sau đó không gặp lại nữa. Để làm việc cùng nhau, ban đầu tôi cũng hơi run vì không biết làm cách nào để có thể tiếp cận chị Hà nhiều hơn. Sau cùng, chúng tôi làm việc, trao đổi với nhau qua Skype. Cả hai chia sẻ với nhau rất nhiều về âm nhạc cũng như ý tưởng của chị Hà, nhờ đó tôi hiểu rõ hơn về ngôn ngữ thơ của chị. Khi có ý tưởng về âm nhạc thì tôi viết ra, thu âm rồi gửi chị Hà nghe. Hay chị Hà gửi thơ, sau đó tôi sẽ cắt hoặc thêm bớt để tạo thành một ca khúc hoàn chỉnh.
Với dự án này, theo tôi, điều quan trọng nhất là tôn vinh giá trị truyền thống (trong đó có giá trị âm nhạc truyền thống) và thứ hai là tôn vinh giá trị ngôn ngữ truyền thống. Mỗi người sẽ đảm nhận phần việc của mình.
* Gần đây, phần lớn sáng tác của anh khai thác chất liệu của một số dân tộc thiểu số vùng cao. Lý do của sự chuyển hướng này là gì, thưa anh?
* Thực ra, trước đây tôi có làm về tuồng, chèo, cải lương, vì đó là những gì tôi được học (nhạc sĩ Ngô Hồng Quang tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tôi từng có album Song hành, tập hợp nhiều ca khúc khai thác các chất liệu này. Trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, tôi bắt đầu nghiên cứu về âm nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hơn.
Bên cạnh người Kinh, nước mình có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, đó là kho báu vô tận, một điều rất tuyệt vời trong kho tàng âm nhạc của nước ta. Điều đó cũng đã tạo ra nhiều nguồn cảm hứng lớn cho nghệ sĩ, trong đó có tôi. Mỗi nhóm dân tộc thiểu số khác nhau sẽ có một chất nhạc riêng. Tôi mới chỉ khai thác một nhóm nhỏ như dân tộc Mông, Tày, Thái, hay vùng Tây Nguyên.
* Trong quá trình đi điền dã, anh nhận thấy việc bảo tồn văn hóa, trong đó có âm nhạc ở các vùng, các dân tộc thiểu số như thế nào?
* Tôi thấy thực tế là những nghệ nhân mà mình muốn tiếp cận ngày càng ít đi. Đó là điều đáng buồn. Tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam nói chung ra thế giới bằng mọi cách.
Nhạc của tôi cần những không gian tĩnh
* Con đường mà anh đang đi có phần nào đó giống với nghệ sĩ đàn tranh Trí Nguyễn. Trong một lần trò chuyện, nghệ sĩ Trí Nguyễn bộc bạch rằng, con đường đó rất cô đơn. Còn anh thì sao?
* Con đường của tôi cũng như vậy nhưng đến bây giờ thì bớt cô đơn hơn, vì trên con đường này, tôi đã gặp những người đồng hành như chị Phan Lê Hà, nhạc sĩ Nguyên Lê, các nghệ sĩ quốc tế cùng chung con đường âm nhạc như tôi và rất nhiều người ủng hộ. Nhưng tôi nghĩ, cô đơn thì mới đúng, mới thú vị, mới là tôi. Bây giờ tôi cảm giác khá hơn rất nhiều khi đã tìm thấy được niềm vui trên con đường mình đi và nó cho tôi rất nhiều năng lượng để sáng tác.
* Niềm vui mà anh nói, có phải xuất phát từ sự kết hợp ăn ý với cộng sự ?
* Niềm vui từ các cộng sự chỉ là một phần, còn qua những chuyến đi diễn, sự kết hợp cũng giúp tôi mở mang được nhiều thứ. Tôi cảm thấy mình vững chãi hơn trên con đường mà mình đã lựa chọn, thấy nó đúng và rất ý nghĩa. Ngoài ra, thêm một lý do khiến tôi vui, đó là người nghe trong nước và ở nước ngoài ngày càng nhiều, sự lan tỏa ngày càng lớn. Trong các buổi biểu diễn ở Việt Nam gần đây, không có buổi nào vắng cả, buổi nào cũng rất đông. Điều đó khiến tôi có niềm vui và động lực rất lớn.
* Một buổi biểu diễn mơ ước của anh là gì?
* Với tôi, một show diễn không cần phải quá đông người, chỉ một không gian nhỏ cũng được, nhưng mọi người phải có sự kết nối, có sự lắng nghe và biết thưởng thức. Không gian lớn bây giờ không quan trọng với tôi mà là chất lượng khán giả. Họ ngồi nghe và thực sự thích thú. Điều đó tôi rất thích, nó tạo cho nghệ sĩ sự hứng khởi vô cùng lớn.
* Khi làm album Nhìn lại, anh có tình cờ nhìn lại hành trình của mình? Đến album lần này, anh có cân nhắc đến yếu tố khán giả?
* Thực ra khi làm album này, tôi cũng phải nhìn lại nhiều lần những album trước, xem mình có bị lặp lại không? Cần phải làm những gì để hoàn toàn mới mà vẫn không mất đi chất Ngô Hồng Quang? Có nhiều câu hỏi tôi ghi ra và đã thực hiện theo đúng kế hoạch mình mong muốn để album Nhìn lại phù hợp với ý tưởng nhìn lại và vẫn có tính nghệ thuật đương đại. Nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, tôi cảm thấy Nhìn lại là một album mang tính đột phá lớn. Lần này, tôi quyết định tự mình làm toàn bộ phần hòa âm phối khí giữa nhạc dân tộc và điện tử.
Tôi cũng có định hướng tiếp cận khán giả Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là khán giả trẻ, khi lên ý tưởng làm album này cùng chị Phan Lê Hà. Mục đích là vừa đưa âm nhạc dân tộc vào những không gian âm nhạc mang tính đương đại, đại chúng, vừa kết hợp với thơ mới mang màu sắc dân gian. Đây là sự kết hợp hết sức cần thiết trong thời điểm âm nhạc mang quá nhiều màu sắc ngoại lai như hiện nay.