Nổi tiếng với những ca khúc nhạc nhẹ như: Hãy sống trong âm nhạc, Bước phiêu bồng, Vũ điệu thần tiên… nhưng vài năm lại đây Minh Châu (ảnh) lại dồn tâm huyết cho việc sáng tác trường ca, một thể loại âm nhạc đặc trưng, chỉ có ở Việt Nam; một thể loại âm nhạc kén cả người hát lẫn người nghe.
Thật ngạc nhiên khi biết Minh Châu đã theo đuổi dòng nhạc âm hưởng dân gian từ những ngày đầu tiên anh tham gia sáng tác, bởi khán giả lại biết đến Minh Châu qua những sáng tác nhạc nhẹ. Hồi ấy, Minh Châu gần như “đóng đô” tại các phòng thu để làm công việc “kiệu ca” cho các ca sĩ.
Bây giờ, anh lại bận rộn với việc làm biên tập cho các chương trình ca nhạc của một vài đài truyền hình. Minh Châu đang biên tập cho chương trình “Song ca cùng thần tượng” phát sóng tối thứ năm hàng tuần trên VTV3. Bận rộn, nhưng Minh Châu bảo anh rất thích được đi du lịch, khi rảnh. “Chỉ nước ngoài là tôi chưa đi, còn hầu hết các địa danh, vùng miền của đất nước, tôi đã đi đủ” – anh cười nói rất mãn nguyện.
Những chuyến đi ấy là cách để anh tìm hiểu, tích lũy những điều thu lượm được về nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền. Cái vốn tích lũy ấy, sau này được anh sử dụng hữu hiệu vào các sáng tác trường ca của mình.
Khi nghe nhạc sĩ Minh Châu viết trường ca, nhiều người không tin là những sáng tác ấy có thể hay và có chỗ đứng. Ngay như ca sĩ Ánh Tuyết – người hát rất thành công trường ca Sông Lô của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng khéo từ chối khi anh đề xuất được đưa khúc hát “Việt Nam gấm hoa” nằm trong trường ca đầu tiên “Bức tranh non nước” của anh, cho chị thể hiện.
Nhưng tình cờ, trong một chương trình ca nhạc lớn của đài truyền hình, Ánh Tuyết được đề nghị hát Việt Nam gấm hoa và sau lần biểu diễn ấy, chị thật sự bị chinh phục vì cả giai điệu lẫn ca từ và cảm phục Minh Châu.
Trong buổi ra mắt trường ca thứ hai của nhạc sĩ Minh Châu “Trường ca người Việt”, ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ chân tình: “Đã rất lâu, từ sau năm 1975, không có người viết trường ca. Nếu có, giai điệu không thuần Việt Nam mà ca từ lại nghèo nàn. Tôi âm thầm phục anh Châu, vì với tôi, Minh Châu vẫn là nhạc sĩ trẻ. Trẻ mà làm được điều này thì thật đáng phục”.
Kể cũng lạ, đang nổi tiếng và được yêu mến ở mảng ca khúc nhạc nhẹ, bỗng nhiên Minh Châu lại vô cùng cảm hứng với nhạc dân gian.
Hỏi anh, anh chỉ cười: “Sáng tác nhạc dân gian, trường ca khó hơn nhạc nhẹ vì đòi hỏi người sáng tác phải tìm tòi, đào sâu nghiên cứu văn hóa dân tộc. Có lẽ, khi càng lớn tuổi, tâm lý càng muốn tìm về với cội nguồn. Tôi rất ngưỡng mộ nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Còn nghệ sĩ nước ngoài, tôi rất thích Michael Jackson vì đây là người nghệ sĩ nói được những vấn đề lớn của con người, của xã hội”.
Minh Châu xác định rất rõ, những khúc nhạc trường ca của anh không thể ngay lập tức có hiệu ứng tốt trong cộng đồng và trong sinh hoạt âm nhạc hiện nay. Nhưng, “Sáng tác trường ca là khuynh hướng nghệ thuật và đó mới chính là nội lực của tôi” – Minh Châu khẳng định.
Nếu ai đó đã từng nghe trường ca “Bức tranh non nước” và mới đây nhất là “Trường ca người Việt” của Minh Châu, mới thấy sự công phu, tâm huyết của người nhạc sĩ trẻ này. Nghe những khúc nhạc trường ca của Minh Châu, thấy gần gũi, bay bổng, trữ tình và sự hoành tráng vốn có của một trường ca.
Thời buổi nhạc sĩ chạy theo trào lưu nhạc trẻ để dễ kiếm tiền, mới thấy việc cặm cụi theo đuổi một dòng nhạc kén cả người hát lẫn người nghe như nhạc sĩ Minh Châu, là điều hiếm và thật đáng trân trọng.
Tùng Khanh