Cho chính mình, cho cộng đồng
Nhạc sĩ Đức Trí kể lại, sau dịch Covid-19, anh gặp lại một người bảo vệ có quen biết ở Nhà hát Hòa Bình và người này hỏi về đĩa nhạc của riêng anh. Đức Trí thoáng bồi hồi, bởi bao năm qua, anh làm rất nhiều đĩa nhạc cho ca sĩ nhưng bản thân anh lại chưa có sản phẩm riêng đúng nghĩa nào. “Khi đó, ý tưởng về việc cần có những đêm nhạc, đĩa nhạc của riêng mình chợt trỗi dậy. Tôi làm cho người khác quá lâu rồi, giờ cũng là lúc làm cho chính mình”, nhạc sĩ Đức Trí trải lòng.
Và rồi các tác phẩm gắn tên Đức Trí lần lượt ra đời. Đầu tiên là cuốn sách Tựa như gió phiêu du - Ca khúc Đức Trí và những câu chuyện. Tiếp đó, live show cùng tên ra mắt cuối năm 2023 và mới đây nhất, đầu tháng 10-2024, Đức Trí đã cùng chia sẻ với những khán giả yêu mến anh những kỷ niệm trong suốt 30 năm làm nghề thông qua live show Có đôi lần tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (TPHCM).
Không chỉ Đức Trí, nhiều nhạc sĩ cũng đang theo đuổi các dự án âm nhạc cộng đồng nhằm lan tỏa những giá trị nhân văn. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để thực hiện kênh YouTube 300 bài hát thiếu nhi và dự án Cùng con tập hát (series 300 tập) với mong muốn có thêm kênh dạy hát online miễn phí cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, nơi khó tiếp cận với các trường, lớp dạy nhạc chuyên nghiệp.
Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường có chuỗi dự án âm nhạc chữa lành Music diary - Nhật ký âm nhạc, phát miễn phí trên YouTube. Vừa qua, nhạc sĩ cũng đã tổ chức music show Nhâm nhi ghi-ta để gây quỹ “Xanh một tấm lòng” ủng hộ bà con bị ảnh hưởng bão, lũ ở miền Bắc. Nhạc sĩ Ssay Huỳnh cũng vừa phối hợp với Hoa hậu H’Hen Niê, Dustin Phúc Nguyễn ra mắt dự án âm nhạc và MV S.H.E với đề tài bảo vệ môi trường. Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền có dự án âm nhạc dài hơi Colours - Bảy sắc cầu vồng, dành một phần lợi nhuận đóng góp cho quỹ chương trình Vết sẹo cuộc đời, hỗ trợ những mảnh đời khó khăn.
Nội lực và thách thức
Nhạc sĩ nổi tiếng làm dự án, đêm nhạc có lợi thế nhất định bởi họ có nội lực, có lượng khán giả yêu mến nhiều thế hệ. Khâu sản xuất tác phẩm trong những đêm nhạc thường chất lượng rất cao, chỉn chu. Tuy nhiên, luôn có những thách thức lớn với nhạc sĩ khi tự mình làm dự án, bởi họ thường là người đứng sau ca khúc, ánh sáng của nghệ sĩ trình diễn, nên sự quan tâm để khán giả sẵn sàng “xuống tay” mua vé không nhiều. Chưa kể, làm dự án là chấp nhận rủi ro, tốn kém từ chi phí sản xuất, ca sĩ, truyền thông... Ca sĩ bán vé đêm nhạc còn khó, đến nay chỉ một số gương mặt như Mỹ Tâm, Trung Quân, Hoàng Dũng, Vũ… là bán vé tốt; do đó việc bán vé đêm diễn của nhạc sĩ khó khăn hơn cũng là dễ hiểu. “Làm live show ở thị trường TPHCM là khó bán vé nhất, live show hay chương trình của một nhạc sĩ lại càng khó hơn”, Hà Thanh Phúc, giám đốc sản xuất của nhiều đêm nhạc lớn, cho biết.
Cũng vì vậy, đa phần các nhạc sĩ khi bắt đầu làm show cho riêng mình thường gắn với cột mốc lớn trong hành trình nghệ thuật của họ để tạo điểm nhấn. Nếu Đức Trí đã có 2 live show lớn thì nhạc sĩ Trần Tiến có live show Trần Tiến - Nửa thế kỷ phiêu bạt; Nguyễn Hải Phong có Nghe gió kể; Đỗ Bảo có concert Một mình bao la; Nguyễn Nhất Huy có 30 năm tình khúc, live concert Những gì đến tự nhiên, Nguyễn Nhất Huy - 50 năm vẫn nợ cuộc đời…
Nhạc sĩ Đức Trí cho biết thêm, làm đêm nhạc tầm 500-1.000 vé thì dễ, còn lên đến 2.000-3.000 vé là bắt đầu khó khăn. Khi đó, người thực hiện phải tính toán cân nhắc từ địa điểm biểu diễn, lựa chọn tác phẩm phù hợp với khán giả, thuê dàn nhạc, vũ đoàn, màn hình led… việc cân đối để đảm bảo cân bằng giữa nghệ thuật và doanh thu là bài toán nan giải. Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền chia sẻ: “Thách thức lớn khi nhạc sĩ ra sản phẩm riêng hay làm live show là họ vốn không có lượng lớn người hâm mộ để sản phẩm có thể tiếp cận được đông đảo công chúng. Do đó, cần thời gian, nội lực và cả ý chí dám làm, tổ chức được ê kíp đồng hành. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc nhạc sĩ ra dự án riêng đã góp phần mang đến những màu sắc mới cho thị trường âm nhạc”.
Có thể thấy, đêm nhạc riêng của nhạc sĩ, những dự án âm nhạc cộng đồng của họ có sức mạnh kết nối, lan tỏa những giá trị tích cực và dần được khán giả chú ý. Điều đáng ghi nhận là các nhạc sĩ đã làm bằng tất cả nội lực, nhiều dự án không đặt nặng lợi nhuận, chỉ hướng đến nâng cao thị hiếu âm nhạc và hỗ trợ cộng đồng. Lợi nhuận không chỉ nằm ở tiền bạc mà nó còn nằm ở sự trân trọng, khán giả có cái nhìn trọn vẹn hơn về người nhạc sĩ.