Chương trình Sao đại chiến đang tạo sự chú ý của khán giả bởi lần đầu tiên một chương trình tập hợp rất nhiều nhà sản xuất âm nhạc, hầu hết đều là những người đang góp phần định hình thị trường nhạc Việt trong thời điểm hiện tại. Cầm trịch những nhà sản xuất tài năng ấy là nhạc sĩ Huy Tuấn, Giám đốc âm nhạc của chương trình. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với anh về những góc nhìn thú vị của đời sống cũng như thị trường âm nhạc hiện nay.
* PHÓNG VIÊN: Trong buổi họp báo ra mắt chương trình Sao đại chiến anh có nói rằng, 8 nhà sản xuất trong chương trình đủ sức phác họa nên bức tranh của thị trường nhạc Việt hiện tại. Chương trình đã đi qua gần nửa chặng đường, theo anh diện mạo thị trường nhạc Việt qua lăng kính 8 nhà sản xuất tham gia chương trình là gì?
- Nhạc sĩ HUY TUẤN: Tiêu chí của chúng tôi khi chọn 8 cặp đôi tham gia Sao đại chiến đơn giản họ phải là những đại diện ưu tú của những dòng nhạc họ đang theo đuổi. Và với những gì đã qua, tôi tự tin nói rằng, chúng tôi đã không lựa chọn sai. Diện mạo của thị trường âm nhạc ở đây tất nhiên chỉ là một phần, nhưng là một phần rõ rệt nhất và ảnh hưởng tới thẩm mỹ âm nhạc của người nghe trẻ hôm nay.
Nhạc sĩ Huy Tuấn
Nó chính là câu chuyện của sự chọn lựa thị trường, theo đuổi cái tôi cá nhân hay tìm đáp số chung. Ở Sao đại chiến, câu chuyện này rõ ràng hơn bao giờ hết và khán giả cũng lần đầu tiên được biết nhiều hơn về sự phân chia này, tôi nghĩ đó là điều đặc biệt hơn cả của chương trình.
Hãy xem những gì Đỗ Hiếu và Ái Phương làm, họ táo bạo thử nghiệm những bài hát mới nhưng vẫn nghe ngóng thị trường để chấp nhận thay đổi và mạo hiểm đánh đổi. Ái Phương đang có những phần trình diễn hoàn hảo hơn và tôi nghĩ, cô ấy đã gặp được nhà sản xuất của mình. Dương Cầm và Dương Hoàng Yến luôn chỉn chu trong từng nốt nhạc, trau chuốt và đặc biệt khắt khe trong từng tiết mục trình diễn với hàm lượng chuyên môn cao, đôi khi là thử thách và làm khó chính mình...
* Thời điểm đó, giữa những tranh cãi về boléro, anh cho biết sẽ không đưa boléro vào chương trình của mình. Thế nhưng, nhóm Phúc Bồ - Hà Lê đã đưa Thành phố buồn, một ca khúc boléro bất hủ, lên sân khấu Sao đại chiến...
- Câu hỏi lúc đó là có nên có hẳn một vòng thi dành cho bolero hay không, nhưng tôi cho rằng, đã có quá nhiều cuộc thi tập trung vào dòng nhạc này nên tôi thấy không cần thiết, chứ thực ra tôi vẫn thiết kế cho các nhà sản xuất một không gian mở để lựa chọn, đấy là vòng world music.
Ở đó, các nhà sản xuất cũng đã tận dụng hết sức hiệu quả đề bài mở này và chúng ta đã có Thành phố buồn rất táo bạo của Hà Lê. Điều này đúng như những gì tôi mong muốn, không hạn chế các thể loại nhưng phải có sự sáng tạo và một không khí khác, như thế mới thể hiện được tài năng của mỗi nhà sản xuất.
* Là người có ảnh hưởng không nhỏ, trực tiếp lẫn gián tiếp lên đời sống thị trường nhạc Việt nhiều năm qua, anh nói gì về bức tranh thật ra cũng không có nhiều điều để lạc quan về thị trường âm nhạc hiện nay?
- Ngược lại, tôi không đồng ý với quan điểm tiêu cực đó. Thị trường âm nhạc vẫn đang có dấu hiệu tích cực khi thói quen của người nghe nhạc dần thay đổi theo thời đại nhạc số.
Mặc dù ý thức về bản quyền vẫn còn kém, nhưng cũng đã có nhiều người hơn tìm đến những giá trị âm nhạc và sẵn sàng trả tiền để thưởng thức. Nó sẽ luôn phong phú như vậy, vẫn luôn có các nghệ sĩ đứng ngoài dòng chảy của thị trường, âm thầm cống hiến.
Ngược lại cũng có cả những thảm họa đi kèm và đó lại thường là bề nổi, được nhiều người biết tới, rồi tranh nhau bàn tán nên đôi khi những điều tích cực chưa được đánh giá đúng.
* Nhìn vào những gì anh làm nhiều năm qua, nếu nói rằng, anh vừa tâm huyết vừa loay hoay với thực tại thị trường nhạc Việt hiện nay. Anh có phủ nhận? Và điều mà anh muốn hướng đến trong thời gian tới là gì?
- Những gì tôi làm với các show truyền hình cũng chỉ là một phần trong đời sống âm nhạc của tôi. Thực ra, những người làm nghề chuyên nghiệp luôn chủ động và ý thức được việc mình làm.
Giai đoạn sắp tới chính là lúc tôi sẽ lui về với việc sản xuất âm nhạc cho những dự án của riêng mình, có thể là album tác giả đầu tay của tôi. Tôi cũng vừa tạm dừng việc hỗ trợ, cũng như làm nhà sản xuất âm nhạc cho các ca sĩ trẻ một thời gian để tập trung cho những dự án lớn của mình trong năm sau.
* Bằng thâm niên trải nghiệm của mình với showbiz Việt, theo anh điều gì đã làm nên một thị trường phi thị trường của nhạc Việt thời gian qua?
- Tôi chưa hiểu chữ phi thị trường ở đây, nhưng nếu hiểu theo nghĩa chưa được chuyên nghiệp thì có thể nói là như vậy. Chúng ta vẫn còn nhiều thứ phải học hỏi, nhất là chừng nào việc bản quyền chưa được hiểu và thực hiện một cách bài bản, thì chúng ta sẽ luôn manh mún.
Ý thức người nghe nhạc sẽ luôn là nền tảng để giúp thị trường được tổ chức bài bản hơn. Nói một cách thẳng thắn, chúng ta hãy luôn ý thức về trả tiền để có được những sản phẩm chất lượng với số tiền mình bỏ ra.
Nếu bạn chưa ý thức trả tiền cho việc thưởng thức của mình, bạn cũng không có quyền đòi hỏi thứ gì chất lượng hơn của cho không. Tôi đã nói câu này từ 5 năm trước: “Hãy nghe có ý thức!”