Anh sáng tác từ các ca khúc sôi động cho đến các nhạc phẩm sâu lắng với những thể nghiệm âm nhạc khác lạ. Nam nhạc sĩ này có những sẻ chia khá thú vị với phóng viên Báo SGGP về âm nhạc.
* PHÓNG VIÊN: Đứng sau nhiều ca khúc thành công ở làng nhạc Việt trong năm 2021, Tuyền tâm đắc sản phẩm nào?
- Nhạc sĩ HỨA KIM TUYỀN: Năm qua dù dịch bệnh, mình vẫn may mắn được có cơ hội làm sản phẩm, nhận được nhiều yêu thương. Đầu năm có album Hương của Văn Mai Hương; Giữa Đại lộ Đông Tây của Uyên Linh; Đi về nhà cùng JustaTee, Đen Vâu; Ước mơ của mẹ; làm giám đốc âm nhạc chương trình Xuân hạ thu đông rồi lại xuân…
* Giành khá nhiều giải thưởng như hạng mục MV tại Giải Âm nhạc Cống hiến, Làn sóng xanh 2020, trong vai trò nhạc sĩ, nhà sản xuất, Tuyền thấy choáng ngợp không?
- Với Tuyền, giải thưởng như một cột mốc ghi nhận sự cố gắng của mình và đồng nghiệp. Có thì vui, vì được ghi nhận. Còn không thì thôi, xem như năm đó mình cố gắng chưa đủ nhiều thì năm sau cố gắng hơn. Mình không bị các giải thưởng làm cho choáng ngợp hay áp lực. Áp lực nếu có là do bản thân mình tự tạo chứ không phải các yếu tố bên ngoài.
* Hiện nay, nhà sản xuất âm nhạc được nhắc đến nhiều và vai trò cũng được khẳng định. Tuyền nghĩ sao về dấu hiệu đáng mừng này?
- Đó là niềm vui của những người đứng đằng sau ánh hào quang của ca sĩ. Khi được khán giả nhớ tên, nhớ đến sản phẩm của mình thật hạnh phúc. Điều này cũng minh chứng thị trường nhạc Việt đang tốt lên, tạo động lực không chỉ riêng Tuyền mà với nhiều nhà sản xuất âm nhạc trẻ khác.
* Ngoài Đi về nhà, Tuyền còn sáng tác nhiều bài nhạc quảng cáo (music marketing). Làm sao để dung hòa ranh giới giữa âm nhạc và thương mại?
- Hiện có nhiều nhãn hàng sử dụng âm nhạc để đến gần khán giả. Có cung có cầu, họ cần đến nhạc sĩ, ca sĩ thực hiện các sản phẩm như vậy và nếu phù hợp mình nhận thôi. Tuyền thừa nhận mình làm nhạc với tâm thế của một người kinh doanh. Mình làm theo yêu cầu của khách hàng hoặc có thể tự làm theo ý mình và khách hàng tự tìm đến do cần cái của mình. Cũng có kiểu kinh doanh, họ vừa muốn có chất nghệ thuật của mình, vừa đạt được sự mong đợi như yêu cầu của họ. Tuyền nghĩ, kinh doanh âm nhạc không có gì xấu, mình vẫn luôn cố gắng làm ra những sản phẩm hoàn thiện, ý nghĩa nhất.
* Tuyền xây dựng lộ trình phát triển như thế nào?
- Thường Tuyền và ê kíp ngồi lại với nhau xem bây giờ sẽ làm gì. Có khoảng thời gian, mình làm bài hát số lượng khá nhiều để khán giả quen thuộc cái tên. Sau đó, mình bắt đầu làm các dự án âm nhạc lớn hơn. Đó là cách bảo chứng bản thân, để khán giả biết mình không chỉ viết ra được những bài hát đơn lẻ mà còn làm tốt cả một dự án. Sau tất cả, khi thấy đủ, mình tìm cách chia sẻ những điều mình có đến người xung quanh.
* Sự chia sẻ này cụ thể là gì?
- Chuỗi dự án âm nhạc cộng đồng Colours (7 sắc cầu vồng) là sự chia sẻ. Colours được thực hiện từ năm 2020, viết về đời sống xã hội, gia đình. Như ca khúc Nếu một mai tôi bay lên trời, tiền thu được từ YouTube, các hợp đồng quảng cáo, mình nhận được khoảng 100 triệu đồng và đã san sẻ với 3 bé cần hỗ trợ phẫu thuật tim. Đó là cách để mình cảm ơn cuộc đời bằng âm nhạc. Sắp tới, có những bài hát mình dự kiến kết hợp với các hiệp hội, tổ chức xã hội để hỗ trợ…
* Hỗ trợ cộng đồng bằng âm nhạc có ý nghĩa với Tuyền ra sao?
- Đó là ý nghĩa để mình làm nghề. Thực sự, với Tuyền, sống tốt và biết yêu bản thân mình là điều cần làm đầu tiên rồi sau đó nếu được, hãy chia sẻ. Như trong bộ phim Ký sinh trùng của Hàn Quốc, mình nhớ người mẹ trong phim có nói “Nếu tôi giàu, tôi cũng sẽ tốt như thế!”. Mình nghĩ câu đó đúng, nếu bản thân mình chăm lo tốt cuộc sống của mình, đủ rồi, mình sẽ có cơ hội để giúp đỡ người xung quanh. Khi làm các sản phẩm âm nhạc hướng tới cộng đồng, Tuyền luôn có động lực để làm.
* Đã ai nói Tuyền làm dự án âm nhạc cộng đồng chỉ để đánh bóng tên tuổi chưa?
- Một số người hỏi Tuyền làm Colours vì lợi nhuận, tên tuổi phải không. Nhưng thực sự là không cần. Nhạc cho cộng đồng rất khó có lời, bởi tiền quay MV đã mấy trăm triệu đồng. Chỉ là mình bỏ vốn, bỏ sức ra và doanh thu có được, mình thường dành lại cho cộng đồng, thông qua các hiệp hội, tổ chức. Đã có nhiều người chia sẻ, họ cảm động với dự án của mình. Tuyền không quan trọng nổi tiếng đến đâu. Những điều đang có đủ rồi.
* Nếu “đủ rồi”, có tạo cảm giác không cần cố gắng nữa không?
- Cảm giác đủ ở đây là mình không cần phải tham vọng, đặt mình trong áp lực phải làm nhiều cách để tên tuổi luôn nổi bật. Nếu tham vọng, mình không làm Colours mà làm các ca khúc dạng khác, chi phí rẻ, tỷ lệ thắng cao hơn. Và viết về chuyện tình yêu đôi lứa bao giờ cũng dễ hơn là viết về đề tài gia đình.
* Tuyền lấy nguồn chất liệu từ đâu để sáng tác nên các ca khúc sâu lắng?
- Thực ra mình không phải là người sống kiểu thể hiện sâu sắc. Mình đơn giản lắm. Chỉ may mắn mình có khả năng chuyển hóa những câu chuyện trong cuộc sống xung quanh thành âm nhạc. Đọc nhiều, xem nhiều và nhạy cảm với các câu chuyện mình dần biết được cách chuyển hóa.
* Tuyền từng thích câu “Đừng đòi hỏi người trẻ phải sống như những người lớn tuổi” và cũng từng nói “Nhạc sĩ trẻ không có nghĩa sẽ viết nhạc kém sâu sắc hơn người đi trước”. Hai điều này có mâu thuẫn gì không?
- Không đâu! Ý mình là, mỗi giai đoạn con người sống trong những môi trường khác nhau nên không thể đòi hỏi các bạn trẻ sống trong thời đại này có được phông nền văn hóa như thế hệ đi trước. Quan điểm, sự sâu sắc nơi mỗi người hoàn toàn khác nhau. Nhưng chắc chắn sẽ có những người trẻ viết được những bài hát chất lượng, có chiều sâu dựa trên số tuổi của họ. Những câu chuyện họ đang viết ra luôn có góc nhìn khác biệt.
Gần đây, ca khúc Ước mơ của mẹ trong phim Thương ngày nắng về đang gây sốt, Hứa Kim Tuyền cho hay: “Phim Thương ngày nắng về sử dụng bài hát Tuyền có sẵn từ trước. Còn để viết nhạc mới cho phim, theo Tuyền phải hiểu phim. Đến bây giờ mình viết nhạc cho 3 phim: 100 ngày bên em, Anh trai yêu quái, Chí Phèo ngoại truyện. Nhạc phim Tuyền viết, không phải là kiểu có bài hát xong ráp vào phim mà đi từ nội dung phim, gắn liền với bộ phim”. |