Nhạc sĩ Hồng Đăng, cây đại thụ của âm nhạc Việt qua đời

Theo thông tin từ nhạc sĩ Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả của ca khúc “Hoa sữa” cùng nhiều ca khúc nổi tiếng khác, đã qua đời lúc 5 giờ 57 phút sáng 21-3, tại Bệnh viện Hữu Nghị, hưởng thọ 86 tuổi.

Nhiều năm qua, sức khỏe của nhạc sĩ Hồng Đăng có phần suy yếu do ông mắc một số bệnh tuổi già.

Ông đã sáng tác hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại: Ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu.

Trong đó, ông đã sáng tác nhạc được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, trong đó có những ca khúc nhạc phim nổi tiếng như: “Hoa sữa” (Hà Nội, mùa chim làm tổ), “Lênh đênh” (Đời hát rong), “Biển hát chiều nay” (nhiều phim về đề tài biển), “Nỗi nhớ đêm đại dương” (Những hạt muối của biển), “Biển và cô gái tôi chưa quen” (Những ngôi sao nhỏ), “Không gian xanh” (Vùng trời).

Nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác từ những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước, thời kỳ còn là học sinh kháng chiến ở Khu IV (ca khúc “Nắng về Tây Bắc”, “Nhớ ơn Cụ Hồ”, “Đời học sinh”).

Sau hòa bình lập lại, về Hà Nội, ông học lớp Sáng tác đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam. Ông viết nhiều ca khúc nổi tiếng: “Đường đi có nắng mặt trời”, “Quà tháng năm” (lời viết cùng Thế Bảo), “Giữa mùa sa nhân”, “Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn” (lời viết cùng Nguyễn Liệu)... cùng với một số tác phẩm khí nhạc.

Ông đã viết nhiều tác phẩm quy mô từ rất sớm. Năm 1960, ông viết hợp xướng “Lửa rực cháy” (phỏng thơ Tố Hữu). Năm 1964, ông viết thanh xướng kịch “Sông Hồng ngàn năm reo hát” (kịch bản Dương Viết Á, Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964, chỉ huy Nguyễn Hữu Hiếu). Năm 1968, ông viết hợp xướng “Trận địa gang thép”. Năm 1972, ông viết hợp xướng 5 chương “Đêm lửa Trường Sơn”, hợp xướng "Câu chuyện Việt Nam” (Đài Tiếng nói Việt Nam, 1976).

Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 tại Yên Thành, Nghệ An. Ông học lớp sáng tác khóa đầu tiên của trường âm nhạc Việt Nam; Nguyên Phó Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc và Thế giới âm nhạc.

Ông là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Ủy viên Ủy ban quốc gia thập kỷ phát triển văn hóa quốc tế. Ông được trao giải thưởng Nhà nước năm 2001, Giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội năm 2021.

Ông là người có công trong việc khởi xướng Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam và chính ông cũng được vinh danh trong Con đường âm nhạc năm 2000.

Nhạc sĩ Hồng Đăng đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 với cụm: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy. Năm 2021, ông được vinh danh Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái.

* Trước đó, vào tối 20-3, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ qua đời, hưởng thọ 90 tuổi. Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ sinh năm 1932 tại Từ Sơn, Bắc Ninh, trong gia đình có nhiều người hoạt động nghệ thuật. Anh trai ông là họa sĩ Hoàng Tích Chù, nhà báo Hoàng Tích Chu, nhà viết kịch Hoàng Tích Linh. Ông từng là Giám đốc Hãng phim truyện 1.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là một trong những đại diện cho thế hệ nghệ sĩ tài năng, nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề và là biên kịch cho nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội… Ông còn xuất bản một số tiểu thuyết như Bão tuyến, Mắt bão, Tướng cướp hoàn lương, Bóng ma rừng Sác... Ông được hậu bối nhớ tới là một người tài năng nhưng khiêm nhường, nhẹ nhàng, sâu lắng…

Tin cùng chuyên mục