Nhạc sĩ Đức Trí: Không áp lực bởi mỹ từ lớn lao không thuộc về mình

Hơn 30 năm qua, sáng tác của Đức Trí đã đi cùng nhiều thế hệ người yêu nhạc, trở thành một phần quan trọng trong đời sống âm nhạc Việt đương thời. Nhạc sĩ Đức Trí có những chia sẻ thú vị cùng phóng viên Báo SGGP về hành trình âm nhạc của mình.

PHÓNG VIÊN: Anh đã qua thời phải làm cái gì đó để bùng nổ, vậy với Live concert Có đôi lần, điều anh mong muốn là gì?

Nhạc sĩ ĐỨC TRÍ: Đêm nhạc Có đôi lần vào đầu tháng 10 vừa qua là lời tri ân sâu sắc tôi gửi khán giả yêu mến mình. Tôi chia sẻ thêm về những “đứa con tinh thần”, giới thiệu vài tác phẩm mới hoặc ít được biết. Ở đó còn có những chuyện chưa từng kể suốt nhiều năm, những mối duyên trong đời…

Các bài hát lần này không có gì to tát cả, xuất hiện theo cách khiêm tốn, không chờ đợi để bùng nổ. Tôi qua thời mong muốn đó rồi. Các bài hát của tôi cứ lặng lẽ ra đời, len lỏi vào đời sống, sẽ có ai đó thấy mình ở đó, đồng cảm với bài hát rồi yêu thích.

Tôi gắn bó với âm nhạc đến nay chừng hơn 30 năm. Việc chứng minh mình giờ đã không quan trọng nữa, bởi suốt bao năm tháng qua tôi chưa bao giờ ngưng làm việc.

CN3 tro chuyen.jpg
Nhạc sĩ Đức Trí

Dạo này ít thấy ca khúc mới từ nhạc sĩ Đức Trí?

Khoảng 10 năm trở lại đây, mọi người tưởng tôi ít viết, nhưng thực tế lúc nào tôi cũng có ca khúc mới. 20 năm trước, tôi làm việc cật lực. Việc phải có bài hát mới, các bài hát đó phải trở thành hit để các album của nghệ sĩ thành công về mặt thương mại là áp lực lớn, có thật.

Sau này, các bài hát của tôi không còn bị áp lực ấy. Tôi viết, thu và thường để đó. Khi có ca sĩ tình cờ hát hợp thì tôi thu lại với giọng ca đó. Lác đác trong hơn 10 năm trở lại đây, các ca khúc mới của tôi vẫn vang lên, nhiều nhất là trong các tác phẩm điện ảnh, sân khấu.

Anh đặt để chữ “duyên” với các nghệ sĩ như thế nào?

Tôi không đặt nặng vấn đề phải tìm cho được người phù hợp. Tôi theo chủ nghĩa tự nhiên, duyên đủ thì hát và thu. Tôi không mua bán, độc quyền gì cả. Có thể đó là cách làm nhạc như các nhạc sĩ lúc xưa. Cứ hợp tác và làm. Nếu đĩa, album hay các bài hát đó đăng tải mà được đón nhận, có lợi nhuận thì anh em thuận lòng chia. Tôi không “đóng gói” bài hát để bán cho ai.

Anh không đặt nặng chuyện thương mại, bản quyền âm nhạc ư? Vai trò nhà sản xuất âm nhạc hay của người viết nhạc thế nào ở đây?

Có lẽ, khán giả nhớ tôi nhiều ở vai trò người viết ca khúc hơn là nhà sản xuất. Khi là nhà sản xuất âm nhạc phải rất kỹ càng, rõ ràng về chi phí, bởi đó là công việc của tập thể, rất nhiều việc cần làm cho dàn nhạc, ê kip tổ chức…

Riêng về viết nhạc, tôi viết vì 2 nhu cầu: bản thân cần viết, viết cho công việc. Tuy nhiên, tôi không bao giờ nhận đơn đặt hàng viết nhạc, bán lấy tiền như thường thấy. Đây là cách của tôi thôi, không ý kiến gì cách làm của người khác.

Ngày xưa, mình mới vào, thấy việc gì cũng ham làm, học cách kết nối quan hệ để có nhiều việc. Còn sau này công việc nhiều, lại phải biết chọn lọc, thậm chí tránh chỗ đông người.

Làm việc ở cường độ cao, anh có sợ chai sạn cảm xúc?

Tôi rất sợ! Ở thời điểm 1995-2000, tôi làm cật lực. Sau này, tôi đi học ở nước ngoài về lại làm việc tiếp, có thời điểm phải rút bớt ra khỏi công việc. Từng đó năm miệt mài, tôi kết luận mình chưa bao giờ giàu từ việc làm nhạc. Có thời điểm, tôi cần mua nhà cũng không mua nổi ngay mà phải để dành, vay ngân hàng cả chục năm mới trả xong.

Cũng phải xác nhận là tôi không nghèo. Tiền tôi thường dành vào việc mua máy móc, đàn, thiết bị âm thanh… Những thứ này giá cực kỳ cao. Thuyền to thì sóng lớn, làm nhiều việc phải mua đồ tốt để ra sản phẩm tốt nhất. Làm chừng 10 năm lỗi thời phải thay, cập nhật máy móc, công nghệ.

Cứ lòng vòng vậy, tôi nhận ra làm nghề này không dư dả nhưng được cái vui và mê. Tôi vẫn hãnh diện bởi đủ sức nuôi vợ và 3 đứa con đi học đàng hoàng, mua được nhà, xe… Không dư, không thiếu, biết đủ là được.

Có thời điểm người ta nói Đức Trí hết thời?

Nhiều người có thói quen nếu một thời gian không thấy một người xuất hiện thì thường thắc mắc họ đi đâu, rồi nghĩ ra nhiều “kịch bản”. Gần đây, tôi dần ít xuất hiện trên mạng xã hội, Facebook để tập trung công việc nên có thể việc không cập nhật cũng khiến người ta thắc mắc.

Thực chất, người nghệ sĩ biểu diễn thì cần ánh sáng, cần tâm điểm, cần kết nối mạng xã hội liên tục. Còn những người như chúng tôi không cần ánh sáng đó. Chúng tôi cần yên ổn để có thời gian sáng tạo, làm việc. Có thời gian, tôi thấy việc xuất hiện ở những nơi chốn đông người mất thời gian, và gần như tôi từ chối 100% các sự kiện không liên quan đến mình.

Ca sĩ Cẩm Vân khẳng định Đức Trí là niềm tự hào của âm nhạc Việt Nam đương thời. Nhiều người cũng dành cho anh vô vàn mỹ từ. Anh đón nhận ra sao?

Thực sự, tôi rất trân trọng lời khen từ chị Cẩm Vân. Ngoài chị, người ta thường ưu ái cho tôi những mỹ từ như “nhạc sĩ số 1”, “nhạc sĩ bảo chứng”… Tôi vẫn luôn từ chối những danh xưng đó và không áp lực khi được gán ghép vào những mỹ từ không thuộc về mình.

Tôi chỉ có thể nói rằng, suốt hơn 30 năm qua, mình vẫn luôn nỗ lực làm việc, hoàn thành tốt nhất những gì mình nhận trách nhiệm. Qua thời gian, cứ làm toàn tâm, người ta nhìn ra giá trị của mình.

Anh thực sự rất trẻ khi kết hợp với các ca sĩ trẻ gần đây? Năng lượng đó thú vị như thế nào?

Năng lượng rất mãnh liệt. Người có tuổi chút hay nói chuyện hoài niệm nghe mệt lắm, ở các bạn trẻ lại thấy cả tương lai phía trước nên làm việc với các bạn thú vị. Tôi thấy mình chưa hề già mà trái lại rất sung sức trong sáng tác, sản xuất, dạy học.

Những năm gần đây, tôi có dịp làm việc với những ca sĩ trẻ như Trung Quân, Anh Tú… thấy vui. Các bạn hát hay, một nguồn năng lượng mới mẻ khiến cho những bài hát cũ của tôi cũng mang một năng lượng, màu sắc khác so với nó vốn dĩ.

Tin cùng chuyên mục