Nhạc chế vô tư niềm vui chốc lát

1- Nhạc chế đã có từ lâu. Bài hát “Huyền thoại mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hàng chục bản chế khác nhau suốt hàng chục năm qua. Thế nhưng, trong giai đoạn hoạt động cộng đồng tạm ngưng trệ vì Covid-19, thì bỗng dưng nhạc chế bùng nổ trên mạng xã hội (MXH).

Chỉ riêng hai kênh Youtube và Tik Tok đã thấy “trăm hồng ngàn tía” của nhạc chế. Những niềm vui chốc lát nhạc chế mang lại cho đám đông, có gì đáng băn khoăn?

Trước đây, nhạc chế chỉ được xem như trò chơi vỉa hè. Người ta hát nhạc chế ở các cuộc gặp mặt, để thư giãn với nhau. Khi MXH mở rộng cơ hội cho bất kỳ ai mong muốn được làm nghệ sĩ, nhạc chế trở thành thể loại đắc dụng. Nó dựa trên tác phẩm gốc đã rất quen thuộc, nhưng công chúng không thưởng thức bằng những đòi hỏi khắt khe của nghệ thuật mà chỉ tìm kiếm sự đùa nghịch vui nhộn. Nói cách khác, nhạc chế cũng là dạng thức văn hóa dân gian, còn mức độ mặn ngọt hay cay đắng tùy vào trình độ thẩm mỹ của người “chế” và người nghe.

Nhạc chế vô tư niềm vui chốc lát ảnh 1 Hậu Hoàng, hiện tượng giải trí thành công nhờ nhạc chế

Ðứng ở góc độ bản quyền, nhạc chế là tác phẩm phái sinh. Nhiều người ái ngại nhạc chế là hành vi vi phạm pháp luật, bởi hầu hết ca khúc chế lời đều không xin phép tác giả. Những bản nhạc chế được sử dụng khai thác với mục đích kinh doanh hay không đều được xác định là hành vi xâm phạm quyền tác giả, được quy định tại Ðiều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu soi rọi chi li, nhạc chế đưa vào tấu hài hay biểu diễn đều xâm phạm bản quyền, vì chẳng mấy ai xin phép tác giả bản gốc để làm bản chế. Thế nhưng, nhạc sĩ có ca khúc được chế cũng rộng lượng bỏ qua.

 2 - Nếu không có Youtube và Tik Tok, biên độ lan tỏa của nhạc chế rất hạn hẹp. Ðiều kỳ lạ là nhạc chế đã góp phần tạo ra không ít ngôi sao trên MXH. Minh chứng cụ thể nhất là Hậu Hoàng, một cô gái Hà Nội năm nay 26 tuổi, tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính, nhưng chọn lối đi riêng chinh phục khán giả qua các kênh trực tuyến. Vốn là thiếu nữ nhút nhát, Hậu Hoàng thay đổi từng ngày qua những sản phẩm nhạc chế phát sóng trên Youtube. Khởi đầu bằng video nhạc chế “Lép” kể về nỗi khổ của những cô gái ngực phẳng, cô dần tạo được hào hứng cho đám đông qua những video nhạc chế, như “Nạn mời cưới”, “Những chị đại học đường” hoặc “Tấm Cám chuyện Hậu Hoàng sắp kể”. Hiện kênh riêng của Hậu Hoàng đã có hơn 7 triệu khách theo dõi. Hậu Hoàng trở thành “nữ hoàng nhạc chế” khiến các sân chơi chính thống cũng phải kiêng nể.

Nhạc chế không khó viết, ngôn ngữ đơn giản và gần gũi. Thế nhưng, để có bản “chế” thuyết phục đòi hỏi người chế phải có chút thông minh và dí dỏm để bắt nhịp xu hướng. Phải sòng phẳng đánh giá, muốn chế cũng phải có nghề. Nếu cách đây vài thập niên, nhạc chế thỉnh thoảng xuất hiện trên chương trình “Trong nhà ngoài phố” của Ðài truyền hình TPHCM, giờ đây nhạc chế đã chễm chệ như “đặc sản” trên chương trình “Gặp nhau cuối năm” của Ðài truyền hình Việt Nam. Xem và nghe nhạc chế do Chí Trung, Tự Long, Xuân Bắc, Công Lý biểu diễn, không ít người phải gật gù tán thưởng. Chẳng hạn, việc chậm trễ thi công đường sắt trên cao được các Táo quân hò reo khá thú vị: “Con tàu của ta nó vốn là tàu nhanh, nhưng làm lâu nên bị đội vốn. Muốn cho xong, nhưng tiền quá tốn. Ðành lại đi vay, dù xưa đã vay”.

 3- Nhạc chế cũng có không ít bản nhố nhăng và thô tục, vì người chế kém tài và kém duyên. Còn nhạc chế vào tay những nghệ sĩ đích thực cũng có giá trị nhất định. Ðôi khi, nhạc chế chứa đựng không ít thông điệp mỉa mai và châm biếm tương đối lâm ly. Từ ca khúc nhiều người yêu thích gắn vào sự kiện nhiều người quan tâm, chính là phương pháp kiến tạo bản nhạc chế thành công. Bài hát “Không cảm xúc” có bản nhạc chế nói về thực trạng xả lũ tùy tiện: “Cấp báo, hồ thủy điện xả nước đấy. Mọi người liệu hồn bơi nhanh. Nếu ai không biết bơi, chết trôi rồi đời. Nhìn nước lũ cuốn bao nhà tan hoang. Cuốn hết mùa màng, cuốn hết lợn gà. Ai không kịp bơi thì trôi luôn. Nước lũ, nước lũ về. Cho nhân dân thêm điều kiện, gắng sức rèn luyện nâng cao thể lực”.

Bài hát “Thật bất ngờ” có bản nhạc chế nói về sự nhiễu loạn trên không gian mạng: “Facebook bỗng dưng trao cho ta bao nhiêu quyền. Nào là quyền câu like, xong đến quyền dạy đời cho ai, xong đến quyền chửi người sai, khi thấy cần thì rủ nhau đấu tố. Thế nên, bây giờ, điều quan tâm nhất là, đi đâu mình cũng chụp hình, hôn nhau mình cũng chụp hình, tắm xong mình cũng chụp hình, rồi mình sẽ post Face. Livestream kiện cáo dìm hàng, tâm thư gửi các bộ ngành, selfie tạo dáng lộ hàng, rồi mình sẽ đếm like... Kệ cuộc đời trôi qua, bao người dân chìm vào Facebook mãi. Ðể rồi cứ sống như mơ, như ly kem bơ, xong lại bất ngờ”.

Hay bài hát “Ngõ vắng xôn xao” có bản nhạc chế ủng hộ đẩy lùi tham nhũng: “Một ngõ vắng quanh co, một căn nhà cấp bốn, một mái ngói đơn sơ, bên ngoài hiên che tôn. Tôi yêu nhà, dù nhà tôi cấp bốn. Sống trong sạch, một đời không tham ô. Dù cống hiến bao năm, vẫn căn nhà cấp bốn. Một đời không tham nhũng, cho nên ở vậy thôi”.

Nhiều bản nhạc chế còn được yêu thích hơn cả bài hát gốc. Cho nên, nhạc chế cũng đem đến tiếng cười góp phần hóa giải những mâu thuẫn và những bất cập hiệu quả và nhẹ nhàng.

Tin cùng chuyên mục