Phần mềm cài đặt ngay trên điện thoại để nhân viên có thể đăng nhập mọi lúc, mọi nơi. Mọi hoạt động quản lý, mua bán chuyển qua online, DN nào cũng tăng cường liên kết với các trang thương mại điện tử trong và ngoài nước. Có thể nói, sự phát triển thương mại điện tử đã giúp DN vượt khó trong mùa dịch, DN chuyển nhanh hơn trong đầu tư giải pháp số hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là thời điểm đòi hỏi các DN phải chỉn chu hơn trong xây dựng thương hiệu, đầu tư kỹ bao bì, nhãn mác, cập nhật thông tin bằng tiếng Anh, để có thể đưa sản phẩm Việt lên các trang thương mại điện tử nước ngoài.
Tương tự, nhiều cuộc họp, triển lãm, giao dịch, quảng bá cho hàng Việt đều bị tạm ngưng do dịch Covid-19. Các chuyên gia trong Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM đã đề nghị thực hiện triển lãm theo công nghệ thực tế ảo, để đưa sản phẩm đến tận khách hàng khi họ không thể sang nước ta tham dự triển lãm và tìm hiểu sản phẩm mới như mọi năm. Triển lãm công nghệ thực tế ảo sẽ giúp khách hàng ngồi nhà “click chuột” xem được mô hình trên máy tính. Có thể, sản phẩm được thiết kế đồ họa theo công nghệ trình chiếu để khách hàng có thể tự xem tại nhà mà không cần đến tận nơi, xem tận mắt, sờ tận tay và đánh giá mức độ hài lòng trực tiếp.
Có thể thấy, thế giới thực sinh ra thế giới ảo và ngược lại; lúc này con người không chạm, doanh nghiệp không giấy, ngân hàng không tiền… Nói cách khác, con người thay đổi toàn diện, từ cách thức sống cho đến làm việc, không còn sử dụng giấy mà hoàn toàn công nghệ số. Trong công nghệ số, không phải DN lớn là thắng, mà DN hành động nhanh sẽ thắng. Đối với ngành nông nghiệp, khi sử dụng công nghệ không chỉ góp phần giữ vững sản xuất, tăng trưởng trong mùa dịch bệnh, mà còn là cách đầu tư lâu bền cho giá trị gia tăng của hàng hóa Việt. Xem ra dịch bệnh đang tạo ra động lực mới cho nhiều DN Việt, đó là đẩy nhanh tiến trình số hóa, đưa công nghệ số vào sản xuất và kinh doanh.