Do tuổi cao sức yếu, nhà văn Vũ Hạnh vừa qua đời vào sáng ngày 15-8, hưởng thọ 96 tuổi.
Nhà văn Vũ Hạnh sinh năm 1926 tại Quảng Nam, trong một gia đình nho học. Sau khi tốt nghiệp tú tài năm 19 tuổi, ông tham gia cách mạng… Sau đó, ông trải qua năm lần bị địch bắt (trải dài từ năm 1954 - 1975) và chịu sự tra tấn trong quá trình hoạt động cách mạng, ông vẫn bền bỉ đấu tranh bằng ngòi bút trên mặt trận tư tưởng văn hóa.
Nhắc đến Vũ Hạnh, nhiều bạn đọc vẫn nhớ đến tác phẩm vang bóng một thời của ông là tập truyện Bút máu. Vào tháng 9-2020, cùng với Đọc lại Truyện Kiều và Người nhà trời, tập truyện Bút máu của nhà văn Vũ Hạnh cũng được NXB Văn hóa - Văn nghệ tái bản và giới thiệu đến độc giả trong một chương trình giao lưu tại Đường sách TPHCM.
Nhà văn Vũ Hạnh là người sáng tác đa dạng thể loại với truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, phê bình Sau hơn 60 năm ra đời, Bút máu vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị đạo đức, giá trị thời sự. Theo nhà văn Triệu Xuân, đây là tập truyện ngắn đặc sắc trong cuộc đời năm chục năm cầm bút của Vũ Hạnh. Bút máu như là tuyên ngôn của tác giả về văn chương nghệ thuật.
"Mười hai truyện ngắn trong tập sách này toát lên ý chí, nghị lực, lòng nhân ái của một nhà văn dấn thân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đọc Bút máu, dù là viết về chuyện xưa hay là trực tiếp nói chuyện đương thời, tôi cảm nhận văn chương Vũ Hạnh luôn tươi rói niềm tin vào cuộc sống, vào tình người; Vũ Hạnh không bao giờ lẫn lộn, thỏa hiệp giữa chính và tà, nhân nghĩa và phi nhân…”, nhà văn Triệu Xuân nhận định.
Ba tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh được xuất bản vào năm 2020, trong đó tiểu thuyết "Người nhà trời" là tác phẩm cuối cùng của ông Đặc biệt, vào năm ngoái, dù tuổi cao sức yếu nhưng nhà văn Vũ Hạnh vẫn nỗ lực và cố gắng để hoàn thành tiểu thuyết Người nhà trời. Đây cũng có thể xem là tác phẩm cuối cùng của nhà văn Vũ Hạnh, được ông sáng tác trong vòng ba năm trở lại đây. Cách đây hơn 50 năm, nhà văn Vũ Hạnh được nhà văn Mặc Khải, người con của đất Vĩnh Long, kể lại cuộc đời nhiều tay anh chị đã ghi dấu ấn khá đậm ở trong xã hội miền Nam, dưới thời thuộc Pháp.
Những con người ấy, vốn là sản phẩm của một hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh một vùng đất mới đã được tổ tiên khai thác trên vài trăm năm, nhiều nơi còn mang đậm nét hoang vu với những đầm lầy, kênh rạch, nhưng sớm tiếp nhận bằng xương máu mình một thứ chế độ trực trị của thực dân Pháp mang lại từ phương trời Tây xa vời.
Nhà văn Vũ Hạnh chụp ảnh cùng các đồng nghiệp trong chương trình giao lưu ra mắt sách tại Đường sách TPHCM vào năm ngoái Những con người ấy phải rời nơi đã chôn nhau cắt rốn, rời xa mồ mả tổ tiên, ra đi trong sự phiêu lưu với niềm khát vọng về một sự đổi đời đã phải va chạm đủ loại bất trắc không sao lường được...
Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926, tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nho học. Ngoài Vũ Hạnh, ông còn có một số bút danh khác: Hoàng Thanh Kỳ, cô Phương Thảo, Minh Hữu, Nguyên Phủ, A.Pazzi. Ông tham gia Mặt trận Việt Minh huyện Thăng Bình từ tháng 3-1945, học ban tú tài phần II. Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình rồi nhà lao Hội An. Vũ Hạnh là cán bộ văn hóa Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn (hoạt động đơn tuyến). Sau năm 1975, ông làm Tổng thư ký Hội Liên hiệp - Văn học Nghệ thuật TPHCM, Ủy viên ban chấp hành Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM. Nhà văn Vũ Hạnh là người sáng tác đa dạng thể loại. Bên cạnh các tập truyện: Vượt thác (1963), Mùa xuân trên đỉnh non cao (1964), Chất ngọc (1964), Ngôi trường đi xuống (1966), Bút máu (1971), Con chó hào hùng (1974), Cô gái Xà Niêng (1974), Ăn Tết với một người điên (1985), Sông nước mênh mông (1995)..., ông còn có tiểu thuyết: Lửa rừng (1972), Người nhà trời (2020). Ngoài ra, ông cũng ghi dấu ấn ở lĩnh vực tiểu luận, phê bình với Người Việt cao quý (1965), Đọc lại Truyện Kiều (1966), Tìm hiểu văn nghệ (1970)... Vào năm 2007, nhà văn Vũ Hạnh được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. |
QUỲNH YÊN