Ông vẫn tự làm mọi việc cho bản thân mà không nhận bất cứ sự trợ giúp nào từ mọi người xung quanh, vẫn minh mẫn và hóm hỉnh và đặc biệt, ông vẫn đều đặn viết báo, viết sách.
Tác giả của Đọc lại truyện Kiều, Người Việt cao quý, Con người Sài Gòn, Bút máu... đang thực hiện cuốn hồi ký về cuộc đời mình, ông gọi nó bằng cái tên Cũng một kiếp người.
PHÓNG VIÊN: Thưa nhà văn, có cảm giác tựa đề cuốn hồi ký của ông như một lời than thở cho thân phận?
PHÓNG VIÊN: Thưa nhà văn, có cảm giác tựa đề cuốn hồi ký của ông như một lời than thở cho thân phận?
Nhà văn VŨ HẠNH: Tôi xem đó là sự chấp nhận cuộc sống mình đã trải qua, bởi lẽ, buồn - vui - sướng - khổ, tính cho đến nay vẫn là chất liệu của kiếp nhân sinh. Khi ôn lại những chặng đường đời, với những thăng trầm các loại, tôi cũng đúc kết ít nhiều nhận xét, những suy ngẫm về cuộc sống, để cho các lớp con cháu có thể rút tỉa được chút ít kinh nghiệm gì chăng và để bạn đọc không quá thờ ơ, có thể nhìn thấy sâu hơn mặt trái cuộc đời mà có cách ứng phó phù hợp.
Đây không phải lần đầu tiên ông viết hồi ký, với Cũng một kiếp người, có phải sẽ là câu chuyện đầy đủ về cả cuộc đời ông?
Trước đây, tôi có viết một số sự kiện về cuộc đời mình, đáp ứng yêu cầu của các tờ báo, nay muốn kể lại từ đầu, qua những giai đoạn chính yếu để mong đúc kết được vài nhận định về đời, chứ nói sao hết được sự việc trải 5 chế độ (thuộc Pháp, thuộc Nhật, chống Pháp, chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước), chưa kể tôi từng sống nhiều năm ở chốn núi rừng, ở miền đồng bằng, ở nơi phố thị và 5 lần tù đày. Các giai đoạn trong cuộc đời đều được tôi ghi lại, nhưng sẽ là những gì cần nói của từng giai đoạn… Điều quan trọng nhất của người cầm bút là tác phẩm. Nó là vũ khí chống cái ác, cái xấu, tôn vinh cái đẹp, cái thiện của con người và một nhà văn chân chính không có “vùng cấm” trong ngòi bút của mình.
Bút máu, một tác phẩm nổi tiếng trong sự nghiệp văn chương của ông, có những đoạn viết đã trở thành tuyên ngôn sâu sắc đối với nghề cầm bút. Khi viết nó, ông đã nghĩ gì?
Năm 1958, tôi viết truyện ngắn Bút máu như một tuyên ngôn trước hết là với chính mình đồng thời để phản ứng lại đội ngũ bồi bút xuất hiện không ít lúc bấy giờ. Văn học nghệ thuật có sự đặc thù của nó. Những tác phẩm có giá trị đòi hỏi vấn đề bức xúc của một hoàn cảnh xã hội và sự tinh nhạy cảm nhận của một bộ óc, cùng với khả năng thể hiện. Lớp trẻ ngày nay có nhiều người giỏi, có thêm điều kiện và cả phương tiện tìm hiểu cuộc sống, song tôi chưa thấy có tác phẩm nào vừa được ý mình chờ đợi. Có lẽ vì tôi chưa thể xem hết, nghe hết, thấy hết. Cũng có thể, một số không nhỏ đã bị đảo lộn nhận thức vì thiếu vốn gốc lịch sử dân tộc, thiếu một cái nhìn xác thực về đời sống xã hội nên chịu tác động không nhỏ trước những bát nháo cuộc sống. Nhiều người trong số họ dường như vẫn chưa trả lời rõ được hai câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Nếu chỉ cốt để giải tỏa bản thân, hoặc để kiếm danh, kiếm tiền thì không phải người viết văn đích thực.
Điều gì khiến cho ông vẫn luôn lạc quan và không ngừng chiến đấu bằng ngòi bút của mình chống lại cái xấu, cái ác trong xã hội?
Tôi luôn tin tưởng ở dân tộc mình. Từ thuở xa xưa, còn rất nhỏ bé, bị một nước lớn đô hộ ngàn năm vẫn không bị sự đồng hóa, cuối cùng chúng ta vẫn đánh bại mọi kẻ thù, kể cả những kẻ xâm lược có sức mạnh quân sự mạnh nhất thời bấy giờ. Đó là kết quả trên cả mức phi thường của cả dân tộc. Nhiều nhà sử học thế giới, hiện nay, đã xác minh rằng dân tộc chúng ta vốn có một nền văn minh cao cấp.
Với kinh nghiệm của mình, theo nhà văn, làm sao để luôn giữ được tinh thần lạc quan, nghị lực trong cuộc sống?
Ở tuổi 90, nếu nói sức không hề yếu là không đúng. Có những buổi sáng tôi thức dậy và không nhấc nổi mình lên. Khi ấy, tôi đã tự nhủ với chính mình: ủa sao mình mới 30 mà như vậy. Thế là tôi ngồi dậy được và lại xách xe đi. Tôi đang muốn nói đến sức mạnh của tinh thần và ý chí. Tôi sinh ra không quá khỏe mạnh, nhưng nhờ ít nhiều kiến thức thu nhận đây đó giúp tôi tỉnh táo cho đến ngày nay. Ăn uống giản dị, không bia rượu, không thuốc lá, luôn tôn trọng mọi người, kể cả những người ăn xin.
Nhà văn Vũ Hạnh sinh năm 1926. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là một trong những gương mặt văn nghệ sĩ nổi bật, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc, tự nguyện đứng vào hàng ngũ cách mạng, dùng ngòi bút làm vũ khí chống lại kẻ thù. Ông là cơ sở mật, đơn tuyến trong nội thành của đồng chí Trần Bạch Đằng (lúc đó phụ trách công tác Tuyên huấn của Đảng ngoài chiến khu). Năm lần ông bị địch bắt giam nhưng chúng phải bất lực trước ý chí kiên cường của ông. Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm: Bút máu, Chất ngọc, Mùa xuân trên đỉnh non cao, Vượt thác, Chuyện đời của một trí thức, Ăn tết với một người điên… (truyện ngắn); Người nữ tỳ, Đôi mắt dịu hiền (kịch); Chuyện nàng Y Kla, Cô gái Xà Niêng, Ngôi trường đi xuống (truyện dài); Vài nhận xét về đề án văn hóa của giáo sư Phạm Đình Ái, Nghĩ về tính “chịu chơi” của người Sài Gòn, Những mâu thuẫn trong quyển Lược khảo văn học của Nguyễn Văn Trung (tiểu luận, phê bình)… Ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2007.