Mới đây, chị vừa giới thiệu đến độc giả truyện ký Nụ cười Chim Sắt do NXB Tổng hợp ấn hành. Tác phẩm là câu chuyện về cuộc đời của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Thu Nguyệt, một trong những phụ nữ đầu tiên tham gia biệt động Sài Gòn với biệt danh Chim Sắt.
* PHÓNG VIÊN: Điều gì khiến chị quyết định nhận lời viết hồi ký cho Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Thu Nguyệt?
* Nhà văn VÕ THU HƯƠNG: Tôi gặp cô Thu Nguyệt lần đầu khi còn làm báo Khăn Quàng Đỏ, khi đang tìm một nhân vật để viết bài nhân dịp 30-4. Ngay lần đầu tiên gặp, nghe kể về tuổi thơ, về quá trình hoạt động cách mạng của cô từ những ngày niên thiếu, tôi vô cùng xúc động và nể phục. Lúc ấy, tôi đã nghĩ tới việc sẽ viết một cuốn sách về cô chứ không chỉ là một bài báo. Đến giờ, cô Nguyệt là nhân vật duy nhất mà tôi chủ động tìm tới để viết truyện ký.
* Cảm xúc của chị khi được nghe lại quãng đời khốc liệt và kiên cường của chiến sĩ biệt động năm xưa, nhất là đó lại là một phụ nữ?
* Thế hệ chúng tôi sinh ra sau chiến tranh nên tôi chỉ biết đến chiến tranh qua sách vở, phim ảnh và thi thoảng là câu chuyện của những người ông từng tham gia chiến trường trong gia đình. Những người ông của tôi, người làm về quân nhu, người là quân y, lại là những người khá vui tính nên câu chuyện chiến tranh trong hồi ức của các ông không có nhiều cảm giác khốc liệt như sách vở mà tôi đã đọc. Nhưng đến câu chuyện của cô Thu Nguyệt, mặc dù quãng đời hoạt động của cô không dài, chỉ từ thời niên thiếu đến 19 tuổi thì bị bắt, vào tù tiếp tục đấu tranh trong tù hơn 10 năm nhưng đầy khốc liệt.
Tôi từng có cảm giác nghẹn lòng cùng nhân vật khi mẹ cô đi công tác xa, gặp trận sốt ác tính, thiếu thuốc mà chết. Trước khi mất, bà ngất lịm rồi hồi sức mấy lần chỉ để hỏi: “Bé Nguyệt đã đến chưa?”. Hoặc khi cô chiến sĩ Chim Sắt bất ngờ dự lễ truy điệu mình sau trận đánh quan trọng, khi đồng đội tưởng cô đã hy sinh…
Hay câu chuyện người chiến sĩ tuổi đôi mươi đấu tranh trong tù đày, bị hất vôi bột xuống đầy đầu, đầy bát cơm vẫn giấu con chim bé nhỏ trong mái tóc mình để chú chim khỏi bị nạn… Đặc biệt là chuyện cô phải vất vả để có thể làm mẹ. Dĩ nhiên, những câu chuyện ấy, dù khoảng cách hai thế hệ vẫn có thể khiến tôi đồng cảm với nhân vật của mình. Tình mẫu tử, tình yêu cuộc sống… tôi nghĩ không bao giờ có khoảng cách thế hệ cả.
* Nhưng dù vậy, sự cách biệt về tuổi tác, nhất là không sống trong giai đoạn đó cùng nhân vật không lẽ không gây cho chị trở ngại gì trong quá trình tiếp cận và viết nên hồi ký Nụ cười Chim Sắt?
* Những câu chuyện về quá trình chiến đấu của cô Nguyệt có lúc khiến tôi gặp khó khăn khi thể hiện trên trang sách. Là vì, trước nhân vật này, tôi chưa từng viết về đề tài cách mạng. Có lúc tôi khựng lại, cảm thấy sao mình viết không thể hiện được câu chuyện, không khí rất hay mà mình cảm nhận được. Cách duy nhất là “mặc kệ” bản thảo suốt hai tháng liền.
Trong hai tháng ấy, cô Nguyệt có lúc gọi tôi qua nhà cho mấy quả mướp hương, mớ đậu bắp, mấy nhánh nha đam về nấu chè… Cô có một khu vườn tự tay cô chăm trên sân thượng rất đẹp. Những lần gặp ấy, cô cháu lại nắm tay trò chuyện to, chuyện nhỏ, có nhiều chuyện chẳng liên quan tới trang viết. Nhưng chính những điều yêu thương bé nhỏ ấy khiến tôi gắn bó nhiều hơn với nhân vật của mình, vượt qua những khó khăn trên trang viết.
* Câu chuyện về cuộc đời bà Lê Thị Thu Nguyệt nhưng khi viết đã được nhìn bằng cảm quan của chị. Với Nụ cười Chim Sắt, điều chị mong muốn gửi đến độc giả là gì?
* Điều tôi yêu thích nhất ở nhân vật của mình là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hiện hữu tình yêu cuộc sống, yêu những điều bé nhỏ trong cuộc sống này. Và tình yêu nước, bản lĩnh của nhân vật được xây lên từ đó, để rồi với cô gái bé nhỏ ấy, khó khăn gian khổ nào cũng chỉ là thử thách để trưởng thành hơn mà thôi. Và không chỉ cô Thu Nguyệt, trong cuốn sách còn có câu chuyện những chiến sĩ biệt động, bạn bè khác của cô, cũng sống với tinh thần đầy nhiệt huyết ấy. Đó cũng chính là bài học mà thế hệ của chúng tôi luôn thấy vẹn nguyên giá trị.
* Ngoài Nụ cười Chim Sắt, thời gian gần đây chị được biết đến là tác giả chấp bút cho nhiều nhân vật với các ngành nghề và lứa tuổi khác nhau. Giữa công việc sáng tác và viết tự truyện cho nhân vật, có những khác biệt và khó khăn nào?
* Khác biệt lớn nhất là khi sáng tác, người viết có thể bất ngờ chiều theo ý mình hay ý nhân vật của mình. Kiểu như anh thích cho cái kết vui thì nhân vật hạnh phúc, buồn thì nhân vật bất hạnh. Còn với tự truyện, chẳng phải là việc ý thích của ai, mà phải theo sự thật. Dù sự thật, khi qua tự truyện hoặc truyện ký… đều đã ít nhiều có sự hư cấu khi nhìn qua lăng kính của nhân vật, của người viết. Còn nếu nói về khó khăn, tôi thấy khó để so sánh. Nhất là khi tôi luôn nghĩ, viết hay mới khó chứ nếu chỉ viết cho có chuyện thì hoàn toàn không khó.
Nhiều nhà văn trong nước rất khó để sống được bằng ngòi bút, mà thường sẽ có một công việc khác song song. Hiện giờ, chị đã nghỉ công việc làm báo và chuyên tâm vào viết lách. Hỏi thật, chị có sống được với ngòi bút của mình không?
* Hiện tại, tôi đang sống được với ngòi bút của mình, nhưng nếu để nuôi con theo mong muốn chắc chắn là không được, mà phải cần sự chung sức từ chồng. Nhu cầu cuộc sống của tôi khá đơn giản. Tôi thích sách (mà cũng chỉ dùng sách để đọc chứ không biết chơi sách đẹp, sách cổ…), không coi việc sắm sửa hàng hiệu là nhu cầu cấp thiết, không có sở thích ăn uống ở nhà hàng… Với những nhu cầu cuộc sống khá đơn giản như thế, thù lao từ viết sách, viết văn đủ để tôi chưa phải nghĩ tới việc gì khác song song ngoài việc viết.
Nói về bí quyết, thực ra cũng chẳng phải là bí quyết gì to tát. Chỉ là kinh nghiệm (mà có lẽ đa số nhà văn đều có) tôi học được từ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi tôi mới vào nghề: Hãy luôn dành thời gian thường xuyên cho việc viết. Nếu không nhiều thì ít, cứ ngồi vào bàn viết mỗi ngày như một thói quen; thói quen ấy cùng với sự nỗ lực, học hỏi, đam mê sẽ dần tạo nên sự chuyên nghiệp. Làm một con ong chăm chỉ, tôi nghĩ là kinh nghiệm cần thiết cho bất cứ nghề nào.