Năm 2018, chị đồng thời ra mắt 3 tác phẩm, nhưng đáng chờ đợi nhất là ký sự Về từ hành tinh ký ức (Công ty CP sách Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn ấn hành), viết về những nạn nhân chiến tranh tại An Giang trong cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
° Nhà văn VÕ DIỆU THANH: Chiến tranh, với tôi nó nên lùi xa mãi mãi. Tôi cứ nghĩ không bao giờ mình viết về nó. Như trong bài Kẻ ngoài cuộc, tôi có nói rất sợ nhìn những hình ảnh chiến tranh, dù là hư cấu hay tư liệu.
Trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội về Châu Đốc đã kéo chúng tôi gặp lại những hình ảnh của cuộc chiến biên giới. Tôi ngồi kể lại cho những người bạn về nỗi ám ảnh từng làm tôi hoảng loạn qua lời kể của nạn nhân. Bạn nói hãy viết đi, ôm những câu chuyện tận diệt đó mấy mươi năm không nặng sao!
Một nhà văn trong đoàn nói, cuộc chiến quá thảm khốc nhưng chưa có ai viết về những nạn nhân, mình có lỗi với họ. Tôi chống đối lại lời thách thức của bạn bằng ý nghĩ, lỗi ở kẻ gây chiến và họ đã không còn nữa. Nhưng rồi, một câu hỏi lớn tràn tới với tôi: Họ, nạn nhân, bây giờ sao rồi, khi họ mất đi, chúng ta lấy gì để kể về cuộc chiến, về những sai lầm khủng khiếp trong cuộc vật lộn sinh tồn? Và tôi quyết định viết để trả lời cho câu hỏi của mình.
° Chị Sương, cô Năm Chậm, cô Ba Hương, một cô giáo ở Châu Phong... đều là nạn nhân của chiến tranh và họ đều là phụ nữ. Vì sao chị chọn góc nhìn từ phụ nữ?
° Tôi định viết một cuốn riêng về nạn nhân. Nhưng khi nghe bà Năm Chậm kể về cô Tư Nga - một người mẹ nằm hình dung con đang giãy chết, nghe âm thanh người ta đập đầu con ngay trên bụng mình - tôi bàng hoàng. Những hình ảnh phụ nữ khổ đau tôi từng biết tràn về.
Mà vốn dĩ, trong những cuộc đánh nhau, đàn ông là người gây chiến và thường kể về chiến tích, chỉ có phụ nữ kể về nỗi đau. Tôi không quên được những gì họ kể. Cuốn sách như nỗi ám ảnh của tôi. Tự nó đã tràn ngập những gương mặt phụ nữ thống khổ và rất thống khổ.
° Những trang viết của chị, dù qua lời kể thôi nhưng cũng đầy ám ảnh và thực sự khiến người đọc bủn rủn bởi sự tàn ác mà lính Pol Pot gây ra. Tiếp xúc với những nhân vật từng vào sinh ra tử có dễ dàng với chị?
° Tôi đã bị khó khăn từ trong ý nghĩ, giống như bạn vừa hỏi. Khơi lại nỗi ám ảnh của người khác, tôi cảm thấy mình không đủ sức. Nhưng khi tiếp xúc được 1-2 người, tôi thấy nạn nhân đã nhìn những bi kịch đúng màu ký ức. Thậm chí, nếu lúc này kẻ giết người xuất hiện trước mặt, họ vẫn có thể trò chuyện như trò chuyện với tôi.
Chính thái độ sống của họ trấn an tôi, để tôi có thể ngồi ở nơi tĩnh lặng của nhà mình, nghe tiếng đêm tĩnh mịch giăng đầy ngoài trời, mở lại từng đoạn băng ghi âm… Họ đã truyền cho tôi tâm trạng nhẹ nhàng, dù đang chuyển tải tường tận từng câu từng chữ của quá khứ kinh hoàng và đau đớn. Sự sống tái tạo nó kỳ diệu như vậy!
° Khi viết xong Về từ hành tinh ký ức, cảm xúc của chị là gì? Theo chị, việc không phải là nhân chứng trực tiếp của chiến tranh có làm cuốn sách của chị giảm đi một phần sức hấp dẫn và ám ảnh?
° Khi viết xong Về từ hành tinh ký ức, tôi cảm thấy những ám ảnh về thím Ba, về chị Sương hay nhiều người khác như một cánh cửa vô hạn từng nhốt chặt nỗi sợ chợt được mở tung ra. Như tôi đã nhìn tận mắt luật vô thường và hiểu rằng, người ta có thể vui trên cái luật đáng sợ đó.
Nhân chứng trực tiếp của chiến tranh thật sự lại không thể nói hết được những gì họ đang muốn nói. Vì họ không quen với việc diễn tả những gì sâu trong tâm trạng. Tôi có cái may cũng là cái không may khi cảm nhận quá tinh nhạy nỗi bất hạnh của người khác.
Nhạy tới mức tôi cứ nghe kể là hình dung mình đang ở đó, mình đang là người sắp bị hành hình. Nhạy cảm giúp tôi thấu cảm dễ hơn, chia sẻ tốt hơn, nhưng cũng đau đớn triền miên, vì những đau đớn quanh mình từ con người tới con vật đâu dễ gì không có.
° Đề tài về chiến tranh biên giới Tây Nam, về sự tàn ác của lính Pol Pot từng được chị chuyển tải trong một số truyện ngắn trước đây. Nhưng lần này được chị thể hiện với một dung lượng dài hơi và trực diện hơn. Vì sao lại có thay đổi về thể loại như vậy, thưa chị?
° Cùng một đề tài nhưng có những thông điệp chuyển tải bằng truyện ngắn sẽ ấn tượng hơn, nhưng cũng có những thông điệp chứa trong câu chuyện mà bản thân nguyên mẫu đã đầy khốc liệt, người viết khó thoát khỏi nguyên mẫu. Tôi không muốn độc giả hiểu nhầm những nỗi đau có thực, có địa chỉ cụ thể chỉ là hư cấu của nhà văn.
° Nhà văn Lê Văn Thảo từng dự báo về chị “chắc sẽ còn đi xa”. Với hàng loạt tác phẩm đã ra mắt và mới đây là Về từ hành tinh ký ức, chị cảm thấy như thế nào về dự báo này?
° Tôi xem dự báo của chú Lê Văn Thảo là sự đồng cảm chứa nhiều mong muốn và tin cậy ở tôi. Tôi cảm thấy nặng ơn với niềm tin của chú. Đó cũng là động lực để tôi miệt mài với từng trang viết. Tôi coi lời chú như một điểm tựa vững chắc cho tinh thần của mình.
° Dấu ấn về hình khối, màu sắc để lại khá rõ nét trong tác phẩm của các tác giả xuất thân từ mỹ thuật. Còn chị, với xuất thân là giáo viên mỹ thuật, điều này đã tác động lên những trang viết của chị như thế nào?
° Mỹ thuật ảnh hưởng quá lớn trong đời thường lẫn trong tác phẩm của tôi. Mỗi tác phẩm phải có tông riêng, độ hài hòa hay tương phản của mảng miếng chính phụ luôn được tôi quan tâm để tác phẩm có chiều sâu không gian cũng như cảm xúc. Tuy nhiên, tôi không quá nặng nề mọi thứ mà chỉ nặng về cá tính của từng nội dung tôi muốn chuyển tải.
° Năm nay chị đồng thời ra mắt tới 3 tác phẩm. Chị có đang ấp ủ một kế hoạch sáng tác nào khác?
° Khi bản thảo gởi nhà xuất bản, tôi đã nghỉ vài hôm và đã bắt tay vào viết cuốn Bắt đầu với chính mình. Một cuốn sách dành cho các bạn trẻ với con đường lập thân lập nghiệp phi giáo điều, nhẹ nhàng, thực tế.
Tôi mong muốn những con đường học tập suốt đời được hiểu đúng, nghĩa là nó không khổ đau cũng như hao tốn và rất thiết thực. Khi mọi thứ ổn, tôi tìm một nơi thật vui, vừa nghỉ dưỡng vừa vẽ tiếp hai tập còn lại cho bộ truyện tranh tô màu dành cho thiếu nhi Những giấc mơ độc quyền.