Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Tiến Châu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Lê Khánh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc… gửi lẵng hoa chúc mừng hội nghị.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vui mừng khi gặp gỡ các nhà văn lão thành; trong đó có rất nhiều “nhà văn chiến sĩ”, đã đi qua các cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh. Họ sáng tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn thời đại, như những “đoàn quân” đặc biệt với sức mạnh tinh thần bất diệt, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị |
Chủ tịch nước nêu rõ, các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ, nhất là các nhà văn lão thành đã không phụ sự ủy thác của nhân dân, đất nước và của Đảng; đã có mặt trong từng bước thăng trầm của đất nước, thấu cảm với từng niềm vui, nỗi buồn của nhân dân; đã sáng tạo những tác phẩm còn mãi với thời gian, góp phần tạo nên nền văn học chân chính, đóng góp to lớn vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, kẻ thù lớn nhất trong chiến tranh là những kẻ xâm lược bằng những con người cụ thể, được xác định rõ ràng; nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình lại không dễ nhận diện. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược xu thế của thời đại…
Chính vì thế, sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và yêu cầu cao hơn. Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này.
Các đại biểu dự hội nghị |
Chủ tịch nước khẳng định, các nhà văn Việt Nam luôn là những chiến sĩ tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác và bảo vệ phẩm giá con người bằng con đường kỳ diệu của văn học, gieo hạt giống của cái đẹp vào tâm hồn con người...
Bằng trải nghiệm của mình qua những năm tháng gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang của dân tộc, các nhà văn lão thành tiếp tục là chỗ dựa tinh thần bền vững và tin cậy, truyền cảm hứng, kinh nghiệm sống và sáng tác, khích lệ cá tính sáng tạo và ủng hộ cái mới cho các nhà văn trẻ, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, xu thế của thời đại. Đồng thời luôn hướng tới, vì cái đẹp, con người và vì dân tộc; giúp các nhà văn trẻ và độc giả hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình mà đất nước có được hôm nay; thấy rõ hơn những thành tựu to lớn mà nhân dân đã giành được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm tháng qua.
Tại hội nghị, các nhà văn lão thành đã ôn lại những ngày tháng tràn đầy kỷ niệm của Hội Nhà văn Việt Nam trong khoảng 60 năm qua, với những hình ảnh, câu chuyện cảm động, sâu sắc về chuyện đời, chuyện nghề |
Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn có sự gắn kết đặc biệt hơn nữa giữa các nhà văn lão thành và các nhà văn trẻ. Đó là sự gắn kết của tình yêu thương, sự thấu hiểu, tôn trọng cá tính sáng tạo và vì một sứ mệnh lớn lao chung là tạo ra tác phẩm hay, góp phần làm phong phú, đẹp hơn đời sống tinh thần, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới.
"Tôi tin rằng với những nền tảng mà những nhà văn lão thành đã gây dựng được cho nền văn học và văn hóa Việt Nam, những người viết trẻ sẽ không lạc lối, đủ bản lĩnh, tỉnh táo và lòng dũng cảm để dấn thân, đam mê, khám phá và sáng tạo, tìm kiếm giá trị mới, cho ra đời những tác phẩm đỉnh cao chạm đến xúc cảm của công chúng, những tác phẩm xứng đáng với Tổ quốc, con người Việt Nam", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, hội nghị tôn vinh 3 nhà văn có đóng góp quan trọng cho nền văn học cách mạng và thúc đẩy sự phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam, gồm: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Ma Văn Kháng.