1. Đến bây giờ, khi đã rất lâu Trương Gia Hòa chưa ra tập thơ mới hay in một bài thơ nào, nhưng nhắc đến chị, nhiều người vẫn mặc định chị là nhà thơ. Kể cả “gia tài” thơ của chị mới có một tập là Sóng sánh mẹ và anh (NXB Văn nghệ TPHCM) ra đời cách đây cũng đã 17 năm, hay đã có một bước rẽ khác với thể loại tản văn, ít nhiều tạo được dấu ấn riêng bởi những bài viết mềm mại, giàu cảm xúc và suy tư.
Những người nhớ thơ Trương Gia Hòa hẳn là có lý do riêng của mình. Phải chăng vì những câu thơ đầy táo bạo được chị viết vào những năm tháng tuổi đôi mươi: “Cuối cùng em đã đứng lên/ Cong môi, tuyên bố vùi chôn cuộc tình?”. Hay bởi chị đã từng là một trong những gương mặt ấn tượng thuộc thế hệ nhà thơ nữ sau năm 1975 của thành phố, cùng với những tên tuổi khác như Trần Lê Sơn Ý, Song Phạm, Ly Hoàng Ly, Tú Trinh, Nguyệt Phạm…
Có thể sẽ còn thêm một số lý do nào đó nữa, nhưng với 3 tập tản văn được ra mắt trong vòng 4 năm, gồm: Đêm nay con có mơ không, Sài Gòn thềm xưa nắng rụng và Sài Gòn thở chậm hít sâu, Trương Gia Hòa được nhìn nhận là nhà văn ấn tượng của thể loại này. Đặc biệt, tập tản văn Đêm nay con có mơ không giúp chị nhận được tặng thưởng của Hội Nhà văn TPHCM năm 2017.
Đọc tản văn của chị từ ngày đầu, PGS-TS Bùi Thanh Truyền từng chia sẻ: “Trương Gia Hòa đã xác lập một lối viết riêng về phương Nam, về TPHCM nghĩa tình, bao dung, nồng hậu. Phong cách ấy chủ yếu đến từ tâm thế của người viết luôn ngỡ ngàng trước bao điều nghe thấy, và trong bất cứ cảnh ngộ nào vẫn không đánh mất niềm tin vào cuộc sống, con người”.
Nói về lý do chuyển từ thơ sang tản văn, nhà văn Trương Gia Hòa bảo, một phần do công việc, phần nữa do lúc đó chị đã có gia đình, tâm thế đã không còn như xưa. “Khi có gia đình, có con, tôi nghĩ đến những vấn đề cụ thể hơn, đời hơn, có chiều sâu của cuộc sống hơn. Tôi nghĩ tản văn phù hợp với mình. Thơ rõ ràng là đỉnh cao của nghệ thuật ngôn ngữ, có sự chắt lọc, lắng đọng và sâu sắc hơn. Tản văn chia sẻ được nhiều hơn, còn thơ là để đồng cảm”, Trương Gia Hòa bày tỏ.
Tưởng rằng Trương Gia Hòa giờ đã “tuyệt giao” với thơ, nhưng đọc cả 3 tập tản văn của chị mới vỡ lẽ ra rằng, thực ra chị chưa bỏ thơ, và thơ cũng chưa bỏ chị. Chỉ là thơ đã chuyển từ hình hài này qua hình hài khác. Cứ thử đọc đoạn văn này trong bài Lặng (in trong tập Sài Gòn thềm xưa nắng rụng), khắc rõ: “Như hôm nay, trên tầng cao của khu chung cư, cửa sổ mở toang cho gió tự do ra vào, tôi nằm im nghe đâu đó có cả mùi sen tàn tạ, như nghe được cả tiếng cá đớp trăng, nghe hết, tiếng xe, tiếng tình nhân, tiếng đêm thở ra trong một hơi dài buốt lạnh”. Ai yêu thơ, ai hiểu thơ hẳn cũng chỉ biết thốt lên rằng: “Sao mà thơ quá!”. Và có lẽ, đó cũng chính là điều làm nên nét duyên dáng trong tản văn của Trương Gia Hòa.
2. Năm 2015, Trương Gia Hòa gặp biến cố về sức khỏe. Hẳn sẽ không dễ dàng để chấp nhận khi mọi thứ đang yên ổn thì bệnh tình bất ngờ ập đến. Chưa kể, cũng trong năm đó, một người bạn thân của chị mất vì ung thư máu. Mọi thứ diễn ra quá nhanh khi trước đó, hay tin chị bệnh, người bạn ấy đã an ủi, động viên chị rất nhiều. Ấy vậy mà anh lại ra đi trước chị.
Thời điểm ấy, con trai chị đang học lớp 9. Việc chăm sóc, nuôi dạy con lâu nay vốn là công việc của chị. Ấy vậy mà giờ chị lại ngã bệnh. “Dĩ nhiên là có lo, nhưng tôi mạnh mẽ hơn mọi người nghĩ. Lúc đó tôi nhận thức rằng, bây giờ mình phải đi từng bước một, bước nào chắc bước đó rồi tiến hành điều trị”, Trương Gia Hòa tâm sự.
Hết 3 năm điều trị, thời gian đầu chị còn đi làm, nhưng rồi trước áp lực của công việc, chị quyết định xin nghỉ để không ảnh hưởng đến mình lẫn cơ quan. Trong thời gian điều trị, chị không ngồi yên mà tìm đến công việc cắt may, vừa để giết thời gian vừa giải quyết bài toán kinh tế.
Trương Gia Hòa kể, chị bắt đầu công việc may vá từ hồi con trai học lớp 1. Lần đó về Đà Lạt, chị đã xin mẹ chồng một chiếc máy may để sửa đồ trong nhà. Tình cờ được một ông chú hướng dẫn may áo sơ mi nam, chỉ trong 3 buổi là chị đã có thể may thành thạo. Từ đó về sau, áo của chồng, của con trai, của ba và em trai đều do chị may. Dần dần, chị tự mày mò học hỏi rồi tự may đồ để mặc. “Lúc bệnh xong, tôi may con voi và một số loại thú bông, tự nhiên có người hỏi mua. Nhờ đó, tôi nhận ra đây là công việc phù hợp với mình hơn cả”, chị nhớ lại.
Thì ra, thời nào, dẫu có cách xa bao nhiêu lâu thì những người phụ nữ vẫn cần mẫn, tần tảo như vậy. Với những người như Trương Gia Hòa, họ đặc biệt hơn vì ngoài vá may, đôi tay của họ còn có thêm một công việc nhọc nhằn không kém là cầm bút.
3. Ngồi trò chuyện với nhà văn Trương Gia Hòa trong một buổi chiều khi thành phố xuất hiện những cơn mưa rả rích, nghe những nỗi niềm mà chị tâm sự riêng, tôi nhớ đến bài viết Sống như đóa hướng dương trong tập sách gần đây của chị. Cho dẫu ai đó có nói gì, hay bản thân chị có đồng ý hay không thì tôi vẫn nghĩ chị chính là một đóa hướng dương như chị viết: “Là sống luôn hướng về phía mặt trời, phía của ánh sáng, của lẽ phải, của nhiệt huyết và rất rất nhiều những ý nghĩa tốt đẹp mà con người có thể nghĩ ra”.
Không còn là cô thiếu nữ với những câu thơ táo bạo, nhà văn Trương Gia Hòa giờ đã là một người đàn bà nhiều trải nghiệm, dẫu có lúc cuộc sống bày ra trước mắt chị không ít trắc trở nhưng chị vẫn luôn hướng mình vào những điều đẹp đẽ trong cuộc sống lẫn ở con người. Chị bảo, mình hài lòng với cuộc sống hiện tại. Và niềm vui mà chị có được giờ cũng đã giản đơn hơn rất nhiều. Ấy là được viết, được làm công việc mình yêu thích, và nhất là được thấy nét hài lòng trên khuôn mặt những người khách khi nhận bộ drap hay bộ gối do chính mình vá may.