PHÓNG VIÊN: Từ một người sáng tác trên mạng, giờ đây Thảo Trang đã là một cái tên nổi tiếng, được các đơn vị xuất bản chào đón. Hành trình này hẳn mang đến cho chị nhiều cảm xúc lẫn tự hào?
* Nhà văn THẢO TRANG: Thực sự, tôi thấy có rất nhiều cảm xúc. Từ một cô gái vô danh chỉ viết truyện online tìm kiếm niềm vui cho chính mình, giờ tôi đã có thể làm nhiều việc hơn, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của bản thân để giúp bà con ở làng Sảo Há (nơi được chọn làm bối cảnh cho phim Tết ở làng Địa Ngục - PV) có thêm thu nhập, từng bước giảm nghèo. Những điều này khiến tôi xúc động và biết ơn khán giả, độc giả. Nếu không có được tình cảm và sự ủng hộ của mọi người, chắc chắn tôi không thể vững vàng đi trên hành trình này.
Vì sao đang viết những tác phẩm mang màu sắc kinh dị, “dọa ma” như Tết ở làng Địa Ngục, Ngủ cùng người chết, chị lại chuyển sang viết một câu chuyện đầy đau thương như 25 độ âm?
* Khi đau đáu trong lòng một điều gì đó, người ta sẽ muốn viết, muốn nói về nó. Ban đầu tôi viết truyện kinh dị để thỏa mãn mong muốn của bản thân, đến ngày nọ, tôi biết được thảm nạn kinh hoàng từ vụ việc 39 người Việt mình mất trong container. Lúc ấy, tôi đã rất bàng hoàng, đau xót. Là đồng bào của mình, họ có một kết cục quá đáng thương.
Từ tâm trạng đau lòng đó, tôi quyết định kể một câu chuyện về những người di dân bất hợp pháp. Tuy nhiên, khi ngồi trước màn hình máy tính, tôi luôn tự nhủ phải tỉnh táo. Tỉnh táo để phân định rạch ròi giữa sự thật và hư cấu, tỉnh táo để xây dựng một câu chuyện thật tốt. Vẫn đau lòng đấy, vẫn xót xa đấy, nhưng tôi sẽ truyền tải tình cảm đó vào trong câu chuyện để độc giả cùng đồng cảm với mình.
Mọi người biết mà, chúng ta rung cảm bằng trái tim nhưng hãy làm việc bằng lý trí. Câu chuyện trong 25 độ âm đầy thảm khốc, qua đó, tôi muốn gửi đến một thông điệp: Con đường nhập cư bất hợp pháp vô cùng nguy hiểm, đắng cay, bạn có thể phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Đừng bán rẻ cuộc đời mình để chạy theo hư ảo.
Điều gì giúp chị có sự “đi trước đón đầu” khi âm thầm thu thập tư liệu và viết 25 độ âm?
* Tôi may mắn từng có thời gian được học và làm công tác nghiên cứu khoa học cấp nhà trường, có cơ hội trao đổi và bàn luận rất nhiều về vấn đề di dân, nhập cư bất hợp pháp. Tại Việt Nam, việc này đã tồn tại từ rất lâu, thậm chí có những nơi cả làng rủ nhau đi. Người này đi trước gửi tiền về xây nhà, tạo nên tâm lý “cũng muốn được như thế” cho những người đi sau.
Ở góc độ nghiên cứu xã hội học, sinh viên chúng tôi khi ấy đã đặt ra rất nhiều giả thiết, cũng đã gặp gỡ, phỏng vấn vô số người từng tham gia vào con đường đó. Những bài luận, những ghi chép thời đại học đó đã là vốn kiến thức quan trọng giúp tôi có thể viết rất nhanh 25 độ âm như mọi người thấy.
Số phận của những người nhập cư trái phép đã được báo chí phản ánh và ngay cả trong phần dẫn truyện đã được chị hé lộ. Khi đó, đòi hỏi người viết phải có năng lực tạo dựng và dẫn dắt bạn đọc. Đây có phải là thách thức lớn đối với chị?
* Thách thức lớn nhất đối với tất cả tác giả viết về đề tài thảm nạn dựa trên sự kiện có thật là độc giả đã biết trước được kết cục. Vậy nên, cái khó nhất là phải tạo ra một câu chuyện có những diễn biến thật hợp lý để dẫn tới kết cục đó. Độc giả có bàng hoàng, bật khóc, đau đớn hay không phụ thuộc vào nhân vật trong truyện thế nào. Tôi nghĩ đây là khó khăn chung của mọi người, và đối với người viết trẻ như tôi, việc ấy càng khó khăn hơn gấp bội.
Tiểu thuyết 25 độ âm dù dày hơn 300 trang nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Điều gì khiến chị quyết định nối dài cho câu chuyện này?
* Thực ra, trong bản tiểu thuyết đầu đăng tải trên mạng, tất cả nhân vật đều không còn sống. Nhưng khi làm việc với đơn vị xuất bản, tôi và biên tập viên Thu Quỳnh đã trao đổi và cho rằng nên có một tia hy vọng để độc giả không quá đau lòng. Tôi cũng nghĩ rằng nhân vật Lam xứng đáng có một cuộc đời có hậu hơn sau này, nên đã thay đổi kết cục, từ đó mở ra phần 2. Phần này sẽ kể về cuộc sống của Lam với tư cách là dân nhập cư bất hợp pháp tại Anh và tìm đường về nước.
Tiểu thuyết 25 độ âm đầy ly kỳ và giàu chất điện ảnh. Chị có nghĩ rằng đây sẽ là chất liệu tốt cho một bộ phim điện ảnh, giống như Tết ở làng Địa Ngục?
* Thực ra 25 độ âm vô cùng khó để sản xuất phim, bởi bối cảnh là một thách thức không nhỏ. Ngày nào tôi cũng nhận được email, tin nhắn của độc giả về việc mong được nhìn thấy Lam trên màn ảnh. Thế nhưng việc chuyển thể còn cần rất nhiều cơ duyên nữa. Nếu độc giả ủng hộ, tôi hy vọng sớm có tin tốt lành cho tác phẩm này!