1. Năm 1994, tập truyện ngắn Ông Thiềm Thừ của nhà văn Trần Kim Trắc ấn hành. Bấy giờ, nhà thơ Trần Nhật Thu vẽ bìa, trình bày sách. Vốn chỗ thân quen, anh đã tặng tôi một bản “mới ra lò” và bảo: “Quốc đọc truyện ngắn Cái mất đi tìm lại xem sao?”. Sau khi đọc, bằng trực giác, tôi cho rằng, đây đúng là tự truyện của tác giả. Nghĩ thì nghĩ thế, nhưng lúc gặp Trần Kim Trắc để xác định lại, tôi hỏi, ông chỉ gật gù, tủm tỉm cười. Âu cũng là cái thú thưởng thức văn chương, bạn đọc có thể và có quyền liên tưởng, đôi khi ngoài chủ đích của nhà văn.
Trong truyện ngắn này, nhân vật xưng tôi cho biết năm 12 tuổi đã mồ côi mẹ. “Đêm nằm nghe tiếng ông sư tụng kinh, giật mình thức giấc, mắt nhòe lệ, gối thấm ướt, mới hay mình đã khóc mẹ trong giấc chiêm bao. Mùa me chín không ai hái, tôi lại hồi tưởng đến cảnh các con quây quần bên mẹ chích hạt me để dành ăn dần cả năm. Nghe tiếng chày nhà ai quết bánh, lại nhớ mẹ bồng bột bẻ phơi nong lúc nào cũng sẵn làm bánh cho con trẻ. Giờ đây, mái ấm đâu còn như xưa. Trưa trưa thèm bánh không có gì ăn đành lục lọi nồi cơm, nhai cơm cháy mà ứa nước mắt ngắn dài”.
Chắc chắn đây cũng là nỗi lòng của chính nhà văn Trần Kim Trắc.
Sau khi mất mẹ, ông ở với cha, cha ông làm nghề dạy học. Có thể nói, Trần Kim Trắc đã có được người cha tuyệt vời, đã dạy con phải tự lập ngay từ bé. Phải biết thành thạo các việc làm trong nhà như sửa điện, sửa máy, tiêm thuốc… Muốn cải thiện bữa ăn cho cả nhà à? Thì đấy, ông sắm luôn cho cần câu, lưới cá rồi hai cha con cùng đi “săn mồi”. Muốn không chết đuối, ông dạy cho bơi…
Chi tiết này, cho thấy về sau khi tập kết ra Bắc, vì một lý do gì đó, không còn đeo đuổi nghiệp văn chương viết lách, ông vẫn có thể khắc phục khó khăn, vững tin sống bằng khả năng lao động chân tay. Mà này, với những ai đã đeo đuổi nghiệp cầm bút, chớ nên ao ước có một đời sống bình lặng, ổn định để có thể an tâm ngày hai buổi “sáng vác ô đi tối vác về”. Nếu không trải qua những tháng ngày gian nan, vất vả ấy, liệu về sau, ông có đủ chất liệu để viết nên những truyện ngắn ngồn ngộn hơi thở đời sống?
2. Có lẽ bạn đọc ái mộ Trần Kim Trắc, khó có thể biết chi tiết năm 16 tuổi, khi học năm thứ nhất Trường Collège Mỹ Tho, ông đã bị bắt ngồi tù. Lý do đơn giản, chỉ vì ông tham gia hoạt động thành. Người cha phải đứng ra bảo lãnh, rồi sau đó, cả hai cha con cùng thoát ly. “Tôi đi kháng chiến năm 17 tuổi, hành trang là một thằng choai choai mới lớn có chút văn hóa trường lớp nhưng thiếu sự dạy dỗ của mẹ”. Đây là thay đổi lớn lao có tính quyết định cuộc đời của một người sẽ trở thành nhà văn.
Năm tháng thanh xuân này, ông đã viết truyện ngắn Cái lu, nói về người lính Cụ Hồ luôn chấp hành ý thức kỷ luật, bảo vệ tài sản của dân, đăng trên tờ Thông tin văn nghệ, phát hành hàng tháng. Nào ngờ, truyện ngắn này được giải thưởng văn học, được yêu thích đến độ bộ đội diễn thành kịch, công chúng nhiệt liệt hoan nghênh và chính nó đã tạo bước đường để năm 1957 ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Nói một cách sòng phẳng, Trần Kim Trắc biết ơn Phòng Chính trị Tiểu đoàn 307, qua năm tháng tuổi trẻ đã sống và viết văn; thì ngược lại, đơn vị này cũng nhìn nhận ông bằng tâm thế đó. Bởi lẽ, chính ông đã có công ghi chép lại đầy đủ sức sống của một đơn vị tác chiến lừng danh. Thế thì, ngoài ca khúc: Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang/Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy/Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy/Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn/Tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy, bạn đọc còn biết thêm Những mẩu chuyện về Tiểu đoàn 307 của Trần Kim Trắc.
Chẳng hạn, ông đã kể: “Ngay lần công đồn đầu tiên, trận Mộc Hóa, quân đối phương rút chạy, xả đạn lại phía sau như vãi trấu, Tạ Văn Bang lao lên truy kích. Viên đạn trúng cườm tay trái anh, xương thịt giập nát, máu tuôn dầm dề. Tiếng kèn gọi xung phong vang lộng, Bang như không biết đau, vẫn lao lên theo hiệu lệnh nhưng bàn tay trái lại treo lủng lẳng. Anh gọi một đồng đội đến bảo cắt giúp cho đỡ vướng. Những người lính dạn dày chinh chiến run tay, quay mặt đi. Bang rút mã tấu, khuỵu xuống, đặt bàn tay trái trên mặt đất, nghiến răng... Tay phải của anh chặt bàn tay trái đứt phăng. Bang lại tiếp tục xông lên phía trước, ôm tiểu liên bằng một tay. Sau này, trong đại đội trinh sát của 307, Bang thoăn thoắt chèo xuồng một tay, ngang dọc điều nghiên địa bàn”.
Nếu không là người trong cuộc, làm sao ông có thể khắc họa dữ dội đến vậy?
3. Sau 40 năm, trở lại với văn chương, ông tâm tình: “Nếu ta xoay cái gương về phía người khác, ta không còn nhìn thấy cái mặt ta, thậm chí nếu ta soi bằng khía cạnh thì phản xạ của cái gương làm nhức đầu người khác. Tôi ơn cách mạng vì cách mạng đã dạy tôi xoay cái gương về hướng mình và tự gẫm”.
Có thể nói, yếu tố “tự gẫm” để rồi có lúc tự cười bật ra tiếng cười hài hước hoặc chua chát, sâu cay chính là chất văn của Ông Thiềm Thừ.
Một trong những ấn tượng của tôi, qua truyện ngắn Trần Kim Trắc vẫn là Lương tâm cắn rứt. Mở đầu câu chuyện là người vợ vác xác đến cơ quan chồng, quậy tưng anh chồng - người đang giữ chức Chủ tịch UBND quận G, về tội gái gú, mèo mỡ ba lăng nhăng. Mất mặt quá, không còn chút tẻo teo uy tín nào để điều hành công việc, anh ta bèn xin từ chức.
Đáng nói là sau khi “hạ cánh an toàn”, trở thành phó thường dân, anh ta mới bật mí cùng nhân vật xưng tôi: “Đầu óc tôi cơ hồ như vỡ tung ra khi nghe nghị quyết của Trung ương và chủ trương của Quốc hội là tất cả đại biểu phải công khai tài sản. Chạy trời không khỏi nắng, chẳng lẽ nói dối với trên và giấu giếm với nhân dân khi mình tự dưng biến thành anh nhà giàu sụ lúc nào không hay. Tôi đành bảo vợ tôi phải đóng kịch đánh ghen để tôi có lý do từ chức khỏi phải kê khai gì cả”.
Bất ngờ quá. Chi tiết này, do Trần Kim Trắc bịa ra hay ông lấy chất liệu từ hiện thực? Điều này, không quan trọng, với nhà văn không chỉ phản ánh hiện thực mà còn phải chỉ ra căn bệnh ấy do đâu, từ đâu? Nhân vật của ông huỵch toẹt: “Đời người ai chẳng như đồng xu, có mặt ngửa có mặt sấp như là hai người, một người là vẻ bề ngoài mơ ước làm kẻ trung thực chính trực, sau khi được bổ nhiệm vào vị trí nhất định trên ghế quan chức đều tự đánh giá mình là người có nhân cách để tự trọng tự hào rằng mình thuộc tầng lớp đáng được nể trọng, miệng đời nể trọng, có huân, huy chương đeo trước ngực. Một người thứ hai mặt sấp, giấu mặt không để mọi người nhận biết và tự mình cũng không nhận thấy mình nếu không tự soi gương hoặc bị camera, phim ảnh ghi vào ống kính. Quái ác là đời có luật lại còn có lệ nữa. Luật thì có văn bản có điều khoản 1-2-3-4-5 đến số trăm số ngàn, nhưng lệ làm gì có văn bản, hiểu ngầm theo thói quen thôi, ai hiểu sao thì hiểu, nghe và hành động theo thôi, có chi ràng buộc? Người ta sao mình vậy, không theo thì là khách sáo, lên mặt làm cao xa cách, không sành đời sành điệu”.
Đấy mới chính là cái cười sâu cay của lối văn Trần Kim Trắc.
Tôi nghĩ, khi viết theo phong cách này, ông chẳng cười ai, chỉ “tự gẫm” và “tự cười” nhờ thế câu văn thâm trầm, ý vị pha lẫn chút hài hước là vậy. Và đúng như ông đã từng tâm niệm: “Nghề viết văn là nghề chọc ngứa tâm hồn bạn đọc để tâm trí họ hiểu hiện thực đời sống, khêu gợi tiềm lực bản thân để tự họ giải quyết những vấn đề riêng của bản thân mà thôi!.