Nhà văn Trần Công Tấn sinh ngày 19-5-1933 tại Huế, nguyên quán: Triệu Sơn, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là nhà văn Lào gốc Việt, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Ông còn có một số bút danh như: Tân Sắc, Trần Triệu Phong, Xomboun Vatthanna.
Là người viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký nên tác phẩm của nhà văn Trần Công Tấn cũng rất đa dạng và phong phú. Các tác phẩm tiêu biểu gồm: Con ngựa của tôi, Thần voi và voi thần, Hoàng thân Xuphanuvông với đất nước Triệu Voi, Cô pháo thủ, Tiếng nói dưới dòng sông, Dòng suối mát, Chỗ gặp nhau, Suối trong rừng, Chớp biển, Những bông cỏ mặt trời, Cọp dữ Bàu Hàm sa bẫy, Đa Ra nơi đâu, Mối tình tan vỡ, Hoa lục bình trôi, Hà Văn Lâu - người đi từ bến làng Sình, Hoàng thân Xuphanuvông và những dòng sông huyền thoại, Dòng sông Son vẫn xanh…
Trong sự nghiệp sáng tác, nhà văn Trần Công Tấn đã nhận được một số giải thưởng: Giải thưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kết hợp với Hội Nhà văn cho tác phẩm Chỗ gặp nhau; giải chính thức Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội của Tổng cục Chính trị - Họp tổ Đảng; giải của tạp chí Văn nghệ Quân đội (1963) cho tác phẩm Thần voi và voi thần; giải thưởng của Tổng cục Lâm nghiệp và Hội Nhà văn trao cho tác phẩm Chỗ gặp nhau. Đặc biệt, vào ngày 10-9-2007, Hội nghị nhà văn Việt Nam - Lào - Campuchia tổ chức tại Hà Nội, ông là 1 trong 5 nhà văn Việt Nam đoạt giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần thứ nhất.
Nhà văn Trần Công Tấn tham gia cách mạng sớm, làm liên lạc bí mật từ cuối năm 1944, khi chưa tròn 12 tuổi. Sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 19-12-1945, ông vào bộ đội chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Ông là trinh sát, tình báo, chỉ huy chiến đấu nhiều năm; về sau làm công tác tuyên huấn, phụ trách điện ảnh và chiếu bóng. Ngoài ra, ông còn có thời gian gia nhập Tình nguyện quân Việt Nam sang chiến đấu ở Lào và Campuchia.
Trong chiến tranh chống Mỹ, Trần Công Tấn hoạt động ở Hội văn nghệ Quảng Bình, mảnh đất nổi tiếng ác liệt, từng sống với các đơn vị vũ trang, lăn lộn nhiều nơi ở Quảng Bình, Vĩnh Linh và cả ở B5 (Trị Thiên). Sau 1975, ông chuyển về Tổng cục Cao su Việt Nam rồi về làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
Linh cữu nhà văn Trần Công Tấn được quàn tại số 2B Trịnh Hoài Đức (khu phố 2, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TPHCM); lễ nhập quan vào lúc 12 giờ ngày 8-9; lễ động quan lúc 9 giờ ngày 11-9. Sau đó linh cửu được đi hỏa táng tại Phước Lạc Viên (Dĩ An, Bình Dương).