Không nên đánh giá phiến diện về người viết trẻ
Nhà văn Phan Hồn Nhiên thuộc thế hệ 7X, là một tên tuổi nổi bật của văn chương đương đại với nhiều tác phẩm được chú ý như Hồi phục, Ngựa thép… Chị cũng là giám khảo của Văn học tuổi 20 trong những lần tổ chức gần đây.
Còn tác giả Yang Phan (tên thật là Phạm Anh Tuấn), thuộc thế hệ 9X. Tại Văn học tuổi 20 lần 7, anh là một trong hai tác giả đoạt giải nhì (không có giải nhất) với truyện dài Vụn ký ức, vừa được NXB Trẻ tái bản.
“Riêng về nội dung, tác phẩm mang đến cho độc giả trẻ cũng như độc giả nói chung những góc nhìn rất tốt, rất chuẩn và chính xác về đời sống tinh thần của người trẻ hôm nay. Tác giả đã đặt ra những vấn đề thực sự là của người trẻ hôm nay như đi tìm căn tính, sự cô độc, sự suy tư về cái chết. Đây là những vấn đề muôn thuở của văn học nhưng được Yang Phan đặt trong bối cảnh, những va đập của người trẻ đương đại với cách thể hiện hấp dẫn”, nhà văn Phan Hồn Nhiên nói thêm.
Từ trường hợp của tác giả Yang Phan, và đặc biệt là sau khi đọc xong 12 tác phẩm vào chung khảo Văn học tuổi 20 lần 7, nhà văn Phan Hồn Nhiên cho biết, có một đánh giá khá phiến diện về những người viết trẻ hiện nay khi cho rằng các bạn sống trên mạng nhiều quá, không quan tâm đến những vấn đề mang tính đại chúng, để văn hóa tiêu dùng cuốn đi, không đặt ra những vấn đề có chiều sâu hoặc những vấn đề mang tính triết học.
Người viết nên “keo kiệt” một chút
Không có cách truyền cảm hứng nào chân thực bằng việc kể lại trải nghiệm của chính mình. Tác giả Yang Phan cho biết, anh bắt đầu viết văn từ hồi lớp 9. Thời điểm đó, anh bị ảnh hưởng bởi nhiều nhà văn như Stephenie Meyer, Phan Hồn Nhiên, Marc Levy…
Anh đã từng viết nhiều và gửi đi cũng nhiều, nhưng những tác phẩm đó “một đi không trở lại”. Tận đến hơn 10 năm sau, những tác phẩm của anh mới lần lượt được các đơn vị đồng ý xuất bản.
Từ câu chuyện của mình, tác giả Yang Phan cho rằng, một trong những yếu tố giúp anh có được thành công chính là viết và đọc. Với anh, đọc sách như một thói quen. Ngoài ra là tính kỷ luật. “Khi đã bắt tay thực hiện một bản thảo nào đó thì phải làm cho đến cùng, cho dẫu sau đó bản thảo đó có được nhận hay không”, anh lý giải.
Trong quan sát của mình, theo nhà văn Phan Hồn Nhiên, có một điều đáng tiếc là nhiều bạn trẻ có những trải nghiệm, câu chuyện hay nhưng mới chỉ tồn tại ở dạng những dòng trạng thái, ghi chú ngắn trên trang cá nhân. Trong khi đó, ở góc nhìn của một người viết chuyên nghiệp thì đó là những khởi đầu rất quý giá cho một tác phẩm.
“Các bạn hãy keo kiệt một chút bằng cách cất nó đi, để dành cho một truyện ngắn hay một tiểu thuyết ngắn chẳng hạn. Tôi mong các bạn đã sống, đã có những trải nghiệm và đánh đổi thời gian của mình thì hãy ngồi xuống viết. Đừng để những trải nghiệm đó lãng phí, không khác gì mình đang thả những hạt giống tốt vào môi trường mạng xã hội”, nhà văn Phan Hồn Nhiên nhắn nhủ.